Năm Ất Mùi mặt trời trong lòng đất

(ĐTCK) Năm Giáp Ngọ vừa qua, nhân dân ta nói chung và các nhà đầu tư nói riêng trải qua một năm đầy biến động. Chúng ta như người vùng vẫy qua một con sông lớn đầy sóng gió. 
Năm Ất Mùi mặt trời trong lòng đất

Những vụ án động trời (Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên), liên quan đến ngành tài chính - đầu tư đầy tranh cãi, hãy còn nguyên sức nóng trong năm qua. Những cuộc cải tổ ngân hàng, tái cơ cấu bày ra, lấp lánh những tín hiệu mới. Tôi cố thoát ra khỏi những xao xuyến âm thầm, cầm đồng tiền gieo quẻ, trong man mác hương hoa, nhập mình vào vận mệnh các nhà đầu tư trong năm Ất Mùi.

Khi quẻ Dịch hiện lên, trong lòng tôi xiết bao xúc động. Một quẻ Dịch có 6 hào mà khi gieo quẻ, có đến 3 hào động (âm hóa dương và dương hóa âm). Cái mà ta tưởng là “ngẫu nhiên” ấy đã phản ánh thực trạng đầy biến động của tình hình thực tế. Ngay cái tên quẻ đã phản ánh đúng thời cuộc: Địa Hỏa Minh Di. Dịch nôm ra tiếng Việt là Đất Lửa Sáng Đau. Đất và Lửa là tượng quẻ, Sáng và Đau là nghĩa quẻ. Gọi tắt tên quẻ là Minh Di (minh: sáng, di: đau). Vậy Minh Di là gì?

Minh Di là Thương (thương tổn; có ánh sáng nhưng bị tổn thương). Tượng quẻ: Lửa trong lòng đất (ánh sáng không thoát ra được, ánh sáng bị tổn thương). Ta hãy hình dung như mặt trời trong lòng đất. Mặt trời đúng ra phải chiếu sáng trên đất, nhưng quẻ Dịch này bảo cho chúng ta biết thực trạng tình hình của chúng là mặt trời đã nằm trong lòng đất. Có nghĩa ánh sáng bị tổn thương. Lời quẻ bảo rằng: Ánh sáng bị tổn hại, chịu gian nan giữ điều chính thì lợi. Đây là bí quyết: Ánh sáng đã bị tổn hại, thì cách thoát ra là giữ lấy điều chính đáng, giữ được thì có lợi.

Đây là quẻ nói về người tử tế (ngày xưa gọi là quân tử) ở thời nhiều gian nan, chỉ có cách giữ lấy cái chính đáng của mình thì mới có lợi. Muốn vậy, ở trong lòng giữ đức sáng, mà ở ngoài thì nhu thuận để chống với hoạn nạn. Người xưa lấy chuyện Văn Vương, một người sáng tạo Dịch học làm ví dụ. Vua Văn Vương bị vua Trụ nghi ngờ, giam ngục Dữu Lý, tỏ vẻ rất nhu thuận, không chống đối Trụ, mà để hết tâm trí vào việc viết lời giảng các quẻ trong Kinh Dịch, nhờ vậy Trụ không có cớ gì để giết, sau thả ông ra.

Không những ở ngoài phải tỏ vẻ nhu thuận, có khi còn nên giấu sự sáng suốt của mình đi nữa, mà trong lòng vẫn giữ chí hướng. Như Cơ Tử, một hoàng thân của Trụ. Trụ vô đạo, Cơ Tử can không được. Trong khi Tỷ Can, một trung thần khác, chịu chết với vua Trụ, ông Vi Tử, một trung thần khác nữa, bỏ nước ra đi, thì Cơ Tử giả điên, làm một người giúp việc trong nhà một hoàng thân khác, để khỏi bị giết, mong có cơ hội tái tạo triều chính. Võ Vương, con Văn Vương diệt Trụ xong, trọng tư cách Cơ Tử, đã mời ra giúp nước, nhưng ông không chịu. Sau đó, Võ Vương cho Cơ Tử ra ở Triều Tiên, lúc ấy vẫn còn là một hòn đảo giữa biển, lập một nước riêng. Như vậy là Cơ Tử giấu sự sáng suốt của mình để giữ vững chí, không làm mất dòng dõi. Hiện nay, Hàn Quốc còn coi Cơ Tử như quốc tổ.

Về sau, Khổng Tử nghiên cứu quẻ Minh Di viết thêm rằng: Mặt trời lặn vào trong đất là quẻ Minh Di (thương tổn). Người quân tử coi quẻ này mà đến với công chúng, dùng cái tối mà thực ra là cái sáng. Quân tử coi tượng mặt trời lặn vào trong đất mà điều khiển quần chúng, khoan dung, hòa nhã, bỏ ngơ cái thấp kém, rất sáng suốt mà như cách hồ đồ, khiến cho người không kiêng sợ đức sáng của mình, bao nhiêu sự tình lộ cho mình biết hết, giả như làm ngơ mà thực ra chốn nào cũng soi xét tới. Nhìn thoáng qua hình như tối mờ, mà kỳ thực rất sáng. Như thế thì đức sáng của mình có gì phải lo thương tổn nữa đâu.

Phan Bội Châu, học giả nước ta, căn cứ vào cuộc đời cách mạng của mình đã viết thêm rằng: Ở quẻ Hỏa Địa Tấn, mặt trời lên trên đất, thì quân tử coi đó mà tự làm cho tỏ đức sáng. Còn ở quẻ Minh Di, mặt trời lặn vào trong đất, thì quân tử coi đó mà làm cho quần chúng không sợ cái sáng của mình. Câu che cái sáng của mình với câu làm không sợ cái sáng của mình chỉ thay đổi mấy chữ mà có hai cách rất hay. Che cái sáng của mình là cách của thánh hiền khi gặp hoạn nạn. Làm không sợ cái sáng của mình là cách của thánh hiền khi được quyền thống ngự thiên hạ. Đó là hai cách ứng dụng kỳ diệu của Dịch.

Lịch sử nước ta cuối thời Lý, có Trần Thủ Độ vốn dân đánh cá ở vùng biển, biết che cái sáng của mình và làm cho người ta không sợ cái sáng của mình, nên giúp nhà Trần thay nhà Lý. Đến khi chính Trần Thủ Độ mưu hại những người trung thành với nhà Lý, mở tiệc trong lòng đất rồi cho cài bẫy làm sập hầm (nay còn di tích mộ sập ở gần Đình Bảng), thì trong số hoàng thân nhà Lý có Lý Long Tường nhờ che giấu được cái sáng của mình không dự tiệc, mang đồ thờ bỏ trốn ra biển, lênh đênh tìm đến đất Triều Tiên (gồm cả Hàn Quốc ngày nay) trú thân, theo dấu chân Cơ Tử ngày xưa, sau cũng trở thành anh hùng chống xâm lăng của người Triều Tiên. Các hậu duệ Lý Long Tường ngày nay đã tìm về Đình Bảng tế lễ tổ tiên. Bạn đọc trong giới đầu tư có thể tìm ra nhiều dấu ấn Minh Di ngay trong thời sự của mình.

Bàn về ba tín hiệu “động” trong thời Minh Di của giới đầu tư. Hào 1 bảo rằng: Ở vào thời Minh Di (ánh sáng bị tổn hại), như con chim muốn bay mà cánh rũ xuống. Người quân tử biết thời cơ thì bỏ đi ngay (để tránh nạn) dù phải nhịn đói ba ngày, mà đi tới đâu, gặp chủ cũ, cũng bị chủ cũ chê trách. Hào này nhắn gửi những người hiền tài trong ngành, “như con chim muốn bay mà cánh rũ xuống”, cần biết thời cơ tìm cách lánh nạn, (câu bỏ đi ngay không có nghĩa bỏ cuộc, chỉ có ý nghĩa cần biết mình biết người), trong quá trình đó, có trường hợp vừa đói (thất bát cơ nghiệp, mất vốn), vừa bị chủ cũ chê trách (mất việc, bị tố tụng oan), hãy hành động như khi “ánh sáng bị tổn thương”, “con chim muốn bay mà cánh rũ xuống”.

Hào 3 động bảo rằng: Ở thời Minh Di (ánh sáng bị tổn hại), đi tuần về phương Nam, bắt được kẻ đầu sỏ, nhưng đừng hành động gấp, phải bền chí. Hào này thuộc về những người vừa có sức sáng, vừa có sức cương cường, trong khi phải đụng chạm với những kẻ có thế lực, có cái tâm hôn ám, đầu não bọn tiểu nhân. Thánh nhân khuyên những người đó hãy dấn thân, cho biết rằng trong cuộc tuần thú về phương Nam có thể tóm được bọn đầu sỏ. Chỉ có thêm lời dặn dò rằng “đừng hành động gấp”, “hãy bền chí”. Câu trả lời đã rõ ràng, vụ xét xử Huyền Như có thể là một ví dụ. Còn bao nhiêu tên “đầu sỏ” khác, chỉ những người hiền tài trong ngành mới nhìn rõ. Cuộc sống đang cần ánh sáng và sức lực của họ. Nếu họ không “động” thì làm sao đây chúng ta thoát khỏi thời Minh Di, mặt trời trong lòng đất?

Phan Bội Châu nói thêm rằng: Lấy một người chí sáng ở dưới, trừ khử một người ám muội ở trên, ý chí người ấy đâu phải vì thân, vì nhà mà thôi, còn vì sinh linh làm phúc muôn nhà, thiên hạ được nhờ, hoài bão cao cả chừng nào. Một khi săn đuổi hạ được tên đầu sỏ, công thành, mà thiên hạ có phúc, như thế thật là đạt chí lớn.

Chúng ta xem hào 4 động: Như vào phía trái bụng (ý nói vào nơi u ám), tâm trạng u ám, muốn thỏa lòng thời Minh Di, nên ra khỏi cửa, sân. Hào này nhắn gửi những người chẳng may đã nhập sâu vào bóng tối, thánh nhân ví như vào phía bụng bên trái, ý nói đi đến trung tâm của sự tối tăm. Bí quyết với những người này là nên ra khỏi cửa, sân (vu xuất môn đình). Đi thật xa để tránh cảnh điêu tàn đổ nát của cõi tối tăm, hắc ám. Đây là cảnh tượng các nhà đầu tư bất động sản không chuyên những năm qua. Chúng ta có dịp đi qua các khu vực nhà cửa bề thế bị hoang phế rêu cỏ phủ đầy, sẽ hình dung ngay ra cái sự tối tăm, u ám của tình hình. Không cứu vãn được tình thế, chỉ còn cách “vu xuất môn đình”. Không phải bảo chạy ra nước ngoài đâu, ở đây là ra khỏi khu vực đen tối và thất bại. Mặt trời trong lòng đất, giấu cái sáng đi, nhu thuận mà trở lại với cuộc đời, theo con đường của Văn Vương xưa. Ở giữa hoạn nạn mà vẫn giữ được chí ngay. Có được đạo trinh chính như Lý Long Tường thời đức sáng mới không thể tắt được vậy.

Theo quẻ chúng tôi gieo được, năm Ất Mùi này, nếu ngành ta, giới ta giải tỏa được ba cái “động” nêu trên thì sẽ có quẻ Lôi Địa Dự. Lôi là Sấm, Địa là Đất. Dự là Hoà vui. Tượng quẻ là Sấm nổ vang trên mặt đất, tạo ra khí lành sinh trưởng tươi tốt, vui vẻ. Theo Trần Hy Di tiên sinh (tức Trần Đoàn đời Tống), năm Ất Mùi chính là năm Lôi Địa Dự. Nhưng muốn có Dự thì phải qua được ba hào động của Minh Di, đó là vận mệnh của các nhà đầu tư nước ta trong năm Ất Mùi này.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhà văn Xuân Cang
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục