Nam A Bank: Số hóa là chiến lược mũi nhọn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, số hóa luôn là chiến lược mũi nhọn để Nam A Bank mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và điều này càng trở nên ý nghĩa khi 2022 là năm đánh dấu hành trình 30 năm phát triển của Ngân hàng.
Nam A Bank ghi dấu ấn trên thị trường tài chính khi là ngân hàng Việt đầu tiên đưa robot vào phục vụ giao dịch. Nam A Bank ghi dấu ấn trên thị trường tài chính khi là ngân hàng Việt đầu tiên đưa robot vào phục vụ giao dịch.

Lợi nhuận tăng trưởng bền vững

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, thu nhập lãi thuần trong quý IV/2021 của Nam A Bank đạt 1.295 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ dịch vụ tăng 70% lên 72,79 tỷ đồng; thu nhập từ chứng khoán đầu tư tăng 9% lên hơn 165 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động ngân hàng trong kỳ tăng 22,5% lên 1.553 tỷ đồng, nhưng do chi phí hoạt động tăng 52,7% nên lợi nhuận thuần tăng nhẹ 6% lên gần 865 tỷ đồng.

Theo đó, trong cả năm 2021, hầu hết hoạt động kinh doanh của Nam A Bank đều tăng trưởng, trong đó nguồn thu chính tăng mạnh 64% lên hơn 4.283 tỷ đồng nhờ đẩy mạnh hoạt động cho vay khách hàng trong quý cuối năm.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng tích cực: Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 77%, thu về gần 208 tỷ đồng; thu nhập từ chứng khoán đầu tư tăng 39%, đạt gần 273 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ hoạt động khác chỉ ghi nhận gần 9 tỷ đồng, trong khi năm 2020 là gần 219 tỷ đồng, do trong quý IV/2021 thực hiện thu nợ bằng dự phòng rủi ro. Khoản mục dự phòng rủi ro tăng 146% lên hơn 488 tỷ đồng trong quý IV/2021 và lũy kế cả năm, Nam A Bank trích gần 180 tỷ đồng cho hoạt động này, tăng 40% so với năm 2020.

Mặc dù tăng mạnh trích lập dự phòng, Nam A Bank vẫn báo lãi trước thuế năm 2021 hơn 1.799 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2020 và vượt 29% kế hoạch lợi nhuận để ra (lãi trước thuế 1.400 tỷ đồng).

Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Nam A Bank tăng 14% so với đầu năm, lên mức 153.237 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 16%, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng 50%, cho vay khách hàng tăng 15%.

Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 17% so với đầu năm, đạt 115.319 tỷ đồng; phát hành giấy tờ có giá tăng 49%, đạt 10.360 tỷ đồng chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi (3.150 tỷ đồng ngắn hạn và 6.120 tỷ đồng dài hạn). Nợ xấu nội bảng của Ngân hàng ở mức 1.613 tỷ đồng, chiếm 1,57% tổng dư nợ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ mức 114% xuống 79,5%.

Trong bối cảnh đối mặt với khó khăn của đại dịch, hoạt động kinh doanh của Nam A Bank vẫn đạt kết quả khả quan là nhờ đẩy mạnh số hóa. Nam A Bank ghi dấu ấn trên thị trường tài chính khi là ngân hàng Việt đầu tiên đưa robot vào phục vụ giao dịch, đồng thời triển khai hệ thống Onebank giúp khách hàng giao dịch 24/7, nộp hoặc rút tiền mặt online mọi lúc, mọi nơi, mà không phải đến quầy giao dịch trực tiếp.

Nam A Bank tiếp tục nâng cấp toàn diện ngân hàng số Open Banking phiên bản 2.0 với giao diện hiện đại, tăng tính năng, tiện ích, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến nhanh chóng, an toàn, bảo mật. Việc tiên phong trong đầu tư công nghệ đã góp phần giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, giao dịch an toàn, nhanh chóng, tiện lợi và giúp Nam A Bank tiết giảm chi phí vận hành, gia tăng minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động.

2022: Số hóa tiếp tục là chiến lược mũi nhọn

Trong năm 2022, Nam A Bank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 24% lên mức 190.000 tỷ đồng; huy động vốn từ cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá tăng 23,3% lên mức 155.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế tăng 22,7% lên mức 126.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 2022 tăng 25%, lên mức đạt 2.250 tỷ đồng trên cơ sở tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Khách hàng sẽ tiết kiệm thời gian, an toàn, nhanh chóng , tiện lợi khi đến giao dịch tại Nam A Bank.

Khách hàng sẽ tiết kiệm thời gian, an toàn, nhanh chóng , tiện lợi khi đến giao dịch tại Nam A Bank.

Nam A Bank cho biết, hiện Ngân hàng tạm thời chưa triển khai phương án tăng vốn điều lệ từ mức 6.564 tỷ đồng lên 8.564 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu.

Được biết, Đại hội cổ đông thường niên 2022 đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 4.000 tỷ đồng trong năm 2022, từ mức 6.564 tỷ đồng lên 10.564 tỷ đồng với 3 cấu phần, gồm phát hành 190 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán 160 triệu cổ phiếu riêng lẻ.

Trong đó, với phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, Nam A Bank dự định chia cổ tức năm 2020 và 2021 với tỷ lệ lần lượt là 10,21% (đã được đại hội thông qua) và 18,74%.

Ngoài ra, Nam A Bank còn trình cổ đông kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi giá trị tối đa 100 triệu USD (tương đương khoảng 2.200 tỷ đồng). Trái phiếu có thể được phát hành một hoặc nhiều lần, là loại trái phiếu không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

Kỳ hạn trái phiếu tối đa 5 năm và kỳ hạn cụ thể được xác định theo từng đợt phát hành. Lãi suất trái phiếu được xác định theo phương pháp dựng sổ và tùy thuộc vào điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành. Phương thức phát hành riêng lẻ thông qua bảo lãnh phát hành hoặc bán trực tiếp cho nhà đầu tư.

Theo HĐQT Nam A Bank, mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, bổ sung nguồn vốn phục vụ nhu cầu tín dụng trung - dài hạn; đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển mạng lưới chi nhánh và hệ thống ngân hàng số; đẩy mạnh các hoạt động đầu tư nhằm tăng quy mô và hiệu quả hoạt động. Thời gian dự kiến phát hành trái phiếu từ năm 2022 đến hết năm 2024.

Bên cạnh việc huy động vốn, Nam A Bank còn tiếp tục thực hiện kế hoạch niêm yết toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành, việc đưa cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hay Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) được giao cho HĐQT Ngân hàng quyết định và tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan.

Nam A Bank đang thực hiện sắp xếp lại các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC) để có cơ sở tiếp tục triển khai trong năm 2022.

Theo đó, HĐQT Ngân hàng tiếp tục trình đại hội trao quyền lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức của các công ty AMC theo quy định hiện hành của pháp luật, trong đó giảm mức vốn góp của Nam A Bank tại những công ty này từ 100% vốn điều lệ xuống còn tối thiểu 11% sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Đáng chú ý, Nam A Bank hiện nằm trong số ít ngân hàng còn nguyên room ngoại và lãnh đạo Ngân hàng cho biết đang có kế hoạch thu hút vốn nước ngoài.

Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, Nam A Bank không ngừng nỗ lực xây dựng sản phẩm, dịch vụ theo hướng đa dạng và chuyên biệt nhằm cung ứng nguồn tài chính cho khách hàng trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nam A Bank xác định công nghệ thông tin là sức mạnh, công cụ trọng yếu để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh.

Do đó, Ngân hàng tiếp tục tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ cốt lõi để tăng cường năng lực quản trị; chú trọng bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng hiện đại theo xu hướng thân thiện với người dùng, từ đó gia tăng nguồn thu cho Ngân hàng.

Với định hướng giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là hướng tới mốc son kỷ niệm 30 năm thành lập, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank chia sẻ, Ngân hàng luôn tiên phong trong hoạt động số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và vận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các hoạt động nghiệp vụ, trong đó số hóa luôn là chiến lược mũi nhọn với mục tiêu quản trị điều hành trên nền tảng số, tạo ra sản phẩm - dịch vụ khác biệt, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Thu An
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2022

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục