Năm 2030 “cầm chắc” có 2 triệu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) về phát triển kinh tế tư nhân đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, gấp hơn 2 lần hiện nay. Theo PGS-TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh (Đại học Kinh tế quốc dân), mục tiêu này hoàn toàn có thể thành hiện thực.
PGS-TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh (Đại học Kinh tế quốc dân) PGS-TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh (Đại học Kinh tế quốc dân)

Nghị quyết 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp. Ông nghĩ thế nào về mục tiêu này?

Hiện tại, Trung Quốc có hơn 1,4 tỷ người - gấp 14 lần Việt Nam, nhưng có trên 36 triệu doanh nghiệp - tức là gấp hơn 36 lần chúng ta. Các nước có nền kinh tế và dân số tương đồng Việt Nam đều có số lượng doanh nghiệp lớn hơn Việt Nam rất nhiều.

Giả sử chúng ta đạt được mục tiêu có khoảng 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động (không tính doanh nghiệp tạm ngừng, ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể, phá sản) vào năm 2030 như Nghị quyết 68-NQ/TW đặt ra, thì khi đó, với dân số 106-108 triệu người, tính ra hơn 50 người dân mới có một doanh nghiệp - một tỷ lệ khá thấp. Vì thế, có thể nói, mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 là khá khiêm tốn.

Năm 2010, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, nhưng hiện mới có khoảng 950.000 - 960.000 doanh nghiệp, thì để có thêm 1 triệu doanh nghiệp trong vòng 5 năm không hề khiêm tốn, thưa ông?

Theo Sách Trắng về doanh nghiệp năm 2024 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, năm 2017, chúng ta có 654.630 doanh nghiệp đang hoạt động và đến đầu năm 2024 có 921.370 doanh nghiệp, tức là trong 7 năm tăng thêm được 266.740 doanh nghiệp, bình quân mỗi năm tăng thêm 38.150 doanh nghiệp. Vào năm 2017, bình quân 1.000 người dân có 7 doanh nghiệp thì đến đầu năm 2024, con số này là 9,5. Ngay cả TP.HCM và Hà Nội - nơi có tỷ lệ doanh nghiệp/1.000 dân cao nhất, thì tỷ lệ này hiện nay mới đạt tương ứng 29 và 22,5. Như vậy, nếu tính toán theo số học thông thường, để có 2 triệu doanh nghiệp và 50 doanh nghiệp/1.000 dân, thì phải mất ít nhất vài chục năm.

Có thể nói, chúng ta đã không thành công, nói đúng ra là thất bại trong việc phát triển số lượng doanh nghiệp vào năm 2020 và 2025. Nhưng trong 5 năm tới sẽ khác, bởi ngay sau khi Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 68-NQ/TW, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ thông qua Nghị quyết 139/NQ-CP triển khai ngay Nghị quyết 198/2025/QH15.

Theo tôi được biết, chưa từng có chủ trương, chính sách nào được thông qua nhanh như phát triển kinh tế tư nhân bây giờ. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần kể từ khi Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết 68-NQ/TW, thì ngày 17/5/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 198/2025/QH15 và Chính phủ thông qua Nghị quyết 139/NQ-CP với rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân cụ thể, cơ quan thực hiện, thời hạn phải hoàn thành.

Dựa vào đâu mà ông tin chắc đến năm 2030 sẽ có khoảng 2 triệu doanh nghiệp?

Hiện tại, chúng ta có trên dưới 5 triệu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, trong đó có 1,7 triệu hộ đã đăng ký kinh doanh và được cấp mã số thuế. Tuy nhiên, hầu hết hộ kinh doanh nộp thuế khoán. Do được nộp thuế khoán, nên hộ kinh doanh không muốn thành lập doanh nghiệp cho dù rất nhiều hộ kinh doanh có doanh thu gấp nhiều lần doanh nghiệp nhỏ và vừa, và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều có chế, chính sách, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 198/2025/QH15, kể từ ngày 1/1/2026 sẽ chấm dứt thuế khoán và thay vào đó, tất cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế như doanh nghiệp. Như vậy, hộ kinh doanh không còn lợi thế về thuế. Chỉ cần một nửa số hộ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh và có mã số thuế thành lập doanh nghiệp, thì việc có thêm một triệu doanh nghiệp trong vòng 5 năm tới không hề khó.

Ngoài không còn lợi thế về thuế, theo ông, còn những động lực nào thúc đẩy hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp?

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đưa ra nhiều ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thành lập doanh nghiệp, nhưng mức độ ưu đãi, khuyến khích chưa đủ mạnh và chưa cụ thể, nên hầu hết cơ chế, chính sách rất khó thực thi. Trong khi đó, Nghị quyết 198/2025/QH15 đã đưa ra hàng loạt cơ chế, chính sách không chỉ thực hiện được ngay, mà bắt buộc phải thực hiện, không cần nghị định, thông tư hướng dẫn hay phụ thuộc vào việc sửa đổi, bổ sung các luật khác. Đó là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ...

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không chịu lớn, không muốn lớn và không thể lớn là mặt bằng hoạt động. Để giải quyết bài toán này, Nghị quyết 198/2025/QH15 đã mở ra cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương; giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương để quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ đầu tư và xác định diện tích đất đã đầu tư hạ tầng của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại...

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục