Năm 2024,thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, năm 2024 tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày trước Quốc hội sáng 26/11 Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày trước Quốc hội sáng 26/11

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội dành cả ngày 26/11 để thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2024; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư tố cáo của công dân năm 2024.

Tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp

Trình bày báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ phạm tội tăng 12,53%.

Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ phạm tội về trật tự xã hội đạt 83,48% (cao hơn 8,48% so với chỉ tiêu Quốc hội giao); trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95,15%, án đặc biệt nghiêm trọng bằng 97,08% so với năm ngoái.

Trong đó, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện, điều tra, xử lý nhiều hơn 20,55%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế ít hơn 2,4%, số vụ buôn lậu nhiều hơn 8,25%.

Theo ông Quang, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở hầu hết các địa phương.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng chỉ rõ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam tuy giảm nhưng còn một số vi phạm phải xử lý hình sự.

Trật tự an toàn xã hội còn phức tạp, số vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ tăng, xảy ra một số vụ làm nhiều người chết, bị thương. Vi phạm hành chính còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục gia tăng; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao; các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Quốc hội dành cả ngày 26/11 để thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và xử lý kiến nghị của cử tri năm 2024

Quốc hội dành cả ngày 26/11 để thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và xử lý kiến nghị của cử tri năm 2024

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ kiến nghị, Bộ Công an đề xuất Quốc hội chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Chỉ đạo phân bổ ngân sách, bảo đảm kinh phí xây dựng lực lượng Công an nhân dân và sớm chỉ đạo ban hành cơ chế bảo vệ lực lượng Công an nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế

Thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, qua thanh tra phát hiện nhiều hành vi vi phạm, kiến nghị xử lý hành chính 7.629 tập thể và 8.714 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 372 vụ việc. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý 392 người; chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 25 vụ việc. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 48.670,38 tỷ đồng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Đối với việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các cơ quan điều tra trong lực lượng công an đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án với 3.897 bị can phạm tội về tham nhũng. Đã đề nghị truy tố 856 vụ án với 2.686 bị can.

Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã điều tra 23 vụ án với 70 bị can; đề nghị truy tố 11 vụ án với 57 bị can.

Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết 1.186 vụ với 3.869 bị can, đã giải quyết 1.006 vụ với 3.242 bị can.

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết sơ thẩm 1.154 vụ với 3.201 bị cáo về các tội phạm tham nhũng; Đã xét xử 917 vụ với 2.418 bị cáo.

Tổng số việc phải thi hành án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 12.877 việc, có điều kiện thi hành 10.944 việc, đã thi hành xong 9.211 việc.

Tại Báo cáo công tác năm 2024 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao cũng cho biết, năm 2024 đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 165.377 nguồn tin về tội phạm (đạt 100%).

Yêu cầu khởi tố 961 vụ án (tăng 21,6%); yêu cầu hủy bỏ 20 quyết định khởi tố vụ án (tăng 66,7%) do chưa bảo đảm căn cứ pháp luật; trực tiếp ra 21 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến

Trong đó, ông Tiến cho biết, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 89,2% (tăng 4,5% và vượt 29,2%). "Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi số tiền hơn 26.215 tỷ đồng", ông Tiến cho hay.

Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND tối cao cũng nhận định, còn có chỉ tiêu công tác chưa đạt theo yêu cầu của Quốc hội, như tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm các vụ, việc dân sự; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ.

Để hạn chế tình trạng trên, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đề xuất một số giải pháp, trong đó ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban ngành nghiên cứu, tổng hợp các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các loại tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp..., từ đó, xây dựng Chương trình tổng thể về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm cho các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp thực hiện.

Đề nghị Quốc hội chỉ đạo việc thực hiện liên thông dữ liệu án hình sự giữa Công an, Viện kiểm sát, Toà án (có thể xem xét thực hiện thí điểm tại một số địa phương trước khi triển khai chính thức) và cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị kỹ thuật và thuê dịch vụ phần mềm, đường truyền để thực hiện có hiệu quả.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục