Năm 2024, NSH Petro (PSH) đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 692%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) NSH Petro đặt kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2024 với doanh thu thuần đạt 14.566 tỷ đồng, tăng 237,83% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 327,7 tỷ đồng, tăng 692,01% so với năm 2023.
Ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT NSH Petro phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty năm 2024 Ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT NSH Petro phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty năm 2024

Ngày 29/5, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro; mã chứng khoán: PSH) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo NSH Petro, trong năm 2023, ngành công nghiệp dầu khí thế giới và Việt Nam nói riêng đứng trước những khó khăn, thách thức vô cùng lớn khi phải đương đầu với tác động kép là hậu quả đại dịch Covid-19 để lại, tác động nặng nề đến nhiều nền kinh tế; xung đột Nga-Ukraina ảnh hưởng sâu sắc toàn diện đến thị trường dầu khí thế giới, lạm phát duy trì ở mức cao; xu hướng tăng lãi suất; thu hẹp chính sách tiền tệ… Để ứng phó với tình hình thực tế, Ban lãnh đạo NSH Petro chủ trương tiết kiệm tối đa chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2023, NSH Petro đạt tổng doanh thu thuần là 6.124,8 tỷ đồng; tổng chi phí là 6.047,6 tỷ đồng; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là 63,9 tỷ đồng; tổng lợi nhuận sau thuế là 47,5 tỷ đồng.

Ông Ranjit Prithviraj Thambyrajah, tân Phó chủ tịch HĐQT NSH Petro tin tưởng NSH Petro sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới

Ông Ranjit Prithviraj Thambyrajah, tân Phó chủ tịch HĐQT NSH Petro tin tưởng NSH Petro sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới

Đại hội đồng cổ đông NSH Petro thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2024 với doanh thu thuần đạt 14.566 tỷ đồng, tăng 237,83% so với năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 327,7 tỷ đồng, tăng 692,01% so với năm 2023; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu là 12,65%.

Để đạt mục tiêu trên, Công ty đã đề ra các giải pháp thực hiện. Cụ thể, về hoạt động kinh doanh, xây dựng chiến lược kinh doanh sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhằm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Thực hiện tiết kiệm chi phí ngay từ khi giao kế hoạch cho các đơn vị trên cơ sở rà soát kỹ từng khoản mục chi phí. Tiếp tục quản trị chi phí theo từng phương thức bán hàng (bán lẻ, bán buôn, đại lý, tổng đại lý), chi tiết theo từng khoản mục chi phí và từng loại hình kinh doanh. Đồng thời, theo dõi sát chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước để lựa chọn nhà cung cấp và ký kết các hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu với những điều khoản có lợi, hạn ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Xây dựng phương án sử dụng có hiệu quả vốn từ nguồn tăng thêm.

Về công tác tạo nguồn, cân đối linh hoạt nguồn trong nước và nhập khẩu để có giá vốn tốt nhất. Điều hành nguồn và tồn kho tối ưu, hài hòa mục tiêu, đáp ứng đủ nguồn cho hệ thống phân phối của Công ty, không để tình trạng đứt nguồn xảy ra, đồng thời không bị ứ đọng vốn cũng như hạn chế rủi ro về biến động giá…

Về công tác phát triển hệ thống phân phối sản phẩm, Công ty đánh giá và nhận định trong tương lai hệ thống bán lẻ là một nhánh kinh doanh mang lại hiệu nhất và chiếm một phần không nhỏ trong lợi nhuận của Công ty, vì vậy sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển hệ thống bán lẻ, tập trung đưa vào hoạt động nhiều cây xăng bán lẻ, nhằm nâng cao doanh thu và tăng lợi nhuận cho công ty. Có chiến lược phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ trên đường cao tốc. Tiếp tục mở rộng hệ thống các chi nhánh, cửa hàng xăng dầu bằng việc xin cấp phép xây dựng cửa hàng xăng dầu mới, mua lại các cửa hàng xăng dầu cũ. Bên cạnh đó, phát triển và mở rộng hệ thống bán buôn.

Tại Đại hội, các cổ đông cũng đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, số lượng chào bán dự kiến là 130 triệu cổ phiếu, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng trị giá phát hành theo mệnh giá là 1.300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024 và quý I/2025 sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận được hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Thời điểm cụ thể do HĐQT Công ty quyết định.

Đại hội cũng đã thông qua sửa đổi nội dung khoản vay 290 triệu USD (từ Acuity Funding) thanh toán nợ ngân hàng thành đầu tư kho cảng và bổ sung vốn lưu động nhập khẩu xăng dầu. Lý do Thông tư 08 của Ngân hàng Nhà nước không được phép vay nước ngoài để trả nợ trong nước. Đồng thời, thông qua việc trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Công thương trình mở 35% room nhà đầu tư nước ngoài.

Về nhân sự, Đại hội đã thống nhất bầu ông Ranjit Prithviraj Thambyrajah, sinh năm 1960, quốc tịch Úc, Tổng giám đốc NSH Petro (hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Acuity Funding) làm thành viên HĐQT Công ty. Đồng thời, với 5/5 thành viên HĐQT tán thành bầu ông Ranjit Prithviraj Thambyrajah làm Phó chủ tịch NSH Petro nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Ranjit Prithviraj Thambyrajah cám ơn sự tín nhiệm của các cổ đông, HĐQT Công ty và Chủ tịch HĐQT Mai Văn Huy dành cho ông. Ông Ranjit Prithviraj Thambyrajah chia sẻ, lý do để ông nhận nhiệm vụ Phó chủ tịch HĐQT NSH Petro là muốn góp phần đưa NSH Petro đi đến thành công ở chặng đường tiếp theo, với mục tiêu không chỉ dẫn đầu thị trường dầu khí trong nước mà còn vươn tầm ra thị trường thế giới. Theo ông, mục tiêu đó có cơ sở vững chắc để hiện thực hóa trong tương lai gần nhất, và ông tin tưởng rằng, NSH Petro sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trúc Giang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục