Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 104.000 tấn gạo sang EU

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU 104.000 tấn gạo, với trị giá 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022.
Việt Nam xuất khẩu 104.000 tấn gạo sang EU trong năm 2023. Việt Nam xuất khẩu 104.000 tấn gạo sang EU trong năm 2023.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đạt gần 104.000 tấn với trị giá 71,7 triệu USD, tăng 10% cả về lượng và kim ngạch so với năm 2022.

Với sản lượng xuất khẩu 104.000 tấn, đã vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA).

Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp xuất khẩu gạo sang EU vượt hạn ngạch 80.000 tấn/năm của Hiệp định EVFTA. Năm 2022, Việt Nam xuất bán thành công 94.510 tấn gạo sang EU.

Như vậy, gạo Việt Nam đã được xuất bán tới 26/27 quốc gia thành viên EU Đứng đầu là Đức với khối lượng đạt 23.328 tấn, tăng 49,3% so với năm trước và chiếm 22,4% thị phần; tiếp theo là Ba Lan với 14.726 tấn, tăng tới 92% và chiếm 14,2% thị phần.

Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng từ 3 - 4 con số như: Hungary tăng 12 lần, Bulgaria tăng 730%, Hy Lạp tăng 483,3%, Bồ Đào Nha tăng 425%... Trong số các thị trường chính chỉ có Italy ghi nhận sự sụt giảm 78,5% xuống còn 6.876 tấn.

Như vậy, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đã có bước tăng trưởng khá ấn tượng.

Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đang tận dụng tối đa lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan mà EU dành cho Việt Nam để hưởng thuế 0%. Đồng thời, chất lượng gạo của Việt Nam cũng ngày càng cải thiện và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính.

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU mỗi năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Điều này đã mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU.

Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU với thị phần chiếm 2,8% tổng nhập khẩu mặt hàng này của khu vực.

Bộ Công thương, xuất gạo sang EU về lượng tuy không lớn so với các thị trường khu vực khác nhưng giá trị gia tăng lại rất cao do 27 nước EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam. Đây là thị trường khó tính song sẵn sàng chi trả cao cho các sản phẩm có chất lượng.

Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Trung An,,,khai thác khá hiệu quả phân khúc gạo chất lượng cao tại EU. Riêng Lộc Trời đã thành công đưa sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng “Cơm Việt Nam Rice” lên kệ tại các hệ thống đại siêu thị của Pháp.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục