Năm 2023 Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm.
Phó Tổng kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết thông tin trên khi báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023, chiều 12/9.
Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước cho biết, dự kiến kế hoạch kiểm toán của năm 2023 bao gồm 141 nhiệm vụ, giảm 37 nhiệm vụ so với năm 2022.
Cụ thể, dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng.
Như, kiểm toán các chuyên đề liên quan đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 01/NQ-CP nhằm đánh giá việc triển khai, thực hiện các chính sách của nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế.
Cũng nằm trong dự kiến là các chuyên đề “Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”; “Việc quản lý và sử dụng Quỹ viễn thông công ích”; “Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm” và chuyên đề “Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP”...
Trong kiểm toán chuyên đề còn có việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, dự kiến thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm.
Như, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện...
Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 6 tổ chức tài chính, ngân hàng.
Các ngân hàng có tên trong danh sách kiểm toán như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt NamNgân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, theo quy định của pháp luật thì Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét và tự mình quyết định chương trình, kế hoạch kiểm toán năm, Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự kiến này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội căn cứ vào Luật Kiểm toán nhà nước và các yêu cầu về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; yêu cầu nâng cao hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước và tài sản công để cho ý kiến về những vấn đề lớn, theo hướng là công tác kiểm toán hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, không quá lan man, vừa sức, tập trung vào những vấn đề lớn, làm đến đâu ra đến đấy, đến nơi đến chốn và làm đúng chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước.