Năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 11/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Báo cáo những kết quả đạt được trong năm 2023, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.

Trong năm 2023, Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội.

"Trong Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm trên 16%). Đến nay, Bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác, không nợ đọng", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 02 Luật, 08 Nghị quyết của Quốc hội, 05 Nghị định của Chính phủ (và 06 Nghị định đã trình Chính phủ), 13 Thông tư, 17 Nghị quyết của Chính phủ, 05 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 06 Tổ công tác đôn đốc giải ngân, 26 đoàn công tác của thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, 07 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban chỉ đạo khác.

Làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 05 quy hoạch vùng, 59 quy hoạch tỉnh, 01 Chương trình mục tiêu quốc gia, 04 dự án quan trọng quốc gia, 41 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn, đã ban hành gần 13.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, đã ban hành 07 Công điện, 13 văn bản đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023, triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân…

"Nhờ đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có những cải thiện rõ rệt qua từng tháng, là động lực quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 khoảng 3,58 điểm phần trăm (91,42%)", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2023 được đánh giá là năm thành công thu hút vốn FDI khi mức vốn đăng ký mới đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD với hàng loạt dự án chất lượng cao như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip…

Ngoài việc chủ trì, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài, xúc tiến đầu tư, Bộ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động của thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu tới thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đề xuất giải pháp thu hút, hỗ trợ đầu tư mới áp dụng trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư FDI vào công nghệ chip, bán dẫn, hydrogen xanh…

Về quản lý vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Nghị quyết số 108/NQ-CP về huy động nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỉ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Công tác xây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục được Bộ đặc biệt quan tâm. Nổi bật trong đó, Bộ đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ đề án "Phát triển Doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới".

Bên cạnh đó, trong năm, Bộ đã chủ động triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh doanh bền vững.

Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là hạt nhân, là đầu tàu tiên phong trong câu chuyện về đổi mới sáng tạo, dần định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Sự kiện khánh thành NIC Hoà Lạc đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học, công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2023 do các nhà báo khoa học - công nghệ bình chọn và là 1 trong 10 sự kiện nổi bật trong năm 2023 do VTV bình chọn.

Qui Ánh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục