Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh, xuất sang Mỹ giảm

0:00 / 0:00
0:00
Ngành tôm xuất khẩu 4,3 tỷ USD trong năm 2022, đáng chú ý là xuất khẩu đi Mỹ giảm do lạm phát nhưng xuất sang Trung Quốc tăng mạnh 61% so với năm ngoái, đạt 664 triệu USD.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng kỷ lục hơn 60% trong năm 2022, đạt 664 triệu USD. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng kỷ lục hơn 60% trong năm 2022, đạt 664 triệu USD.

Năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) nhấn mạnh, đây là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh ngành tôm vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như hệ lụy đại dịch Covid, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát tăng cao ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ…

Theo Vasep, trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu cao và giá tăng, nhưng trong nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao, khiến xuất khẩu tôm giảm tốc. Tháng 12/2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021 đạt 259 triệu USD.

Về sản phẩm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm sú giảm, tôm chân trắng vẫn tăng trong năm 2022. Các sản phẩm tôm chế biến tăng tốt hơn các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh.

Trong số các sản phẩm tôm sú và tôm chân trắng xuất khẩu, chỉ tôm sú tươi/đông lạnh giảm 7%, tôm sú chế biến khác tăng tốt nhất 15%. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến và tôm chân trắng tươi/đông lạnh tăng lần lượt 11% và 3%.

Tháng 12/2022, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm trong đó sang Mỹ và EU giảm mạnh nhất lần lượt 46% và 44%, sang Nhật Bản giảm 4%, xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm 25%, duy nhất thị trường Trung Quốc vẫn tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam với mức tăng trưởng 38% trong tháng 12.

Cũng trong năm 2022, con tôm Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ đạt 807 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm là do tồn kho còn nhiều. Doanh số bán lẻ và dịch vụ thực phẩm đều chậm, các hãng bán lẻ đôi khi còn yêu cầu hoãn giao hàng. Mặc dù tồn kho cao, nhưng giá tôm tại Mỹ không giảm do các nhà bán buôn chưa muốn bán ra vì chưa được giá.

Nhu cầu tiêu thụ trong kỳ nghỉ lễ khá lớn. Đây là kỳ nghỉ đông đầu tiên ở Mỹ kể từ năm 2019 khi du lịch được cho là đã trở lại mức bình thường. Du lịch nhiều hơn có nghĩa là tụ tập nhiều hơn và ăn uống nhiều hơn, dẫn đến tiêu thụ hải sản nhiều hơn. Tuy nhiên, nhu cầu hồi phục vẫn chưa thể giúp ích được cho các nhà xuất khẩu tôm hàng đầu sang Mỹ.

Năm qua, các quốc gia xuất khẩu tôm lớn sang Mỹ như Ấn Độ, nhà xuất khẩu tôm hàng đầu sang Mỹ là Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Mexico, Argentina và Peru đều ghi nhận mức giảm về khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Dự báo, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Mỹ có thể khá hơn sau quý đầu năm 2023 khi tồn kho giảm bớt và tình hình kinh tế tích cực hơn.

Năm 2022, xuất khẩu tôm sang thị trường EU đạt 691 triệu USD, tăng 13% so với năm 2021. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU bắt đầu giảm từ tháng 10 năm 2022. Lạm phát tại đây cao kỷ lục, khủng hoảng giá năng lượng, biến động tỷ giá ảnh hưởng tới chi phí lưu kho và tổ chức tiêu thụ.

Tháng 12/2022, trong khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm, thì hoạt động xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc vẫn ghi nhận tăng tăng 38%, giúp đưa giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 664 triệu USD, tăng 61% so với năm 2021.

Từ 8/1/2023, Trung Quốc dỡ bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch. Điều này được kỳ vọng làm tăng nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trong những tháng đầu năm 2023.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục