Năm 2021, tỷ lệ nợ xấu được VietinBank kiểm soát ở mức 1,3%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng, hoạt động kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 cho biết, kết quả hoạt động năm 2021 của VietinBank đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch, đặc biệt với các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, huy động vốn, CASA và thu phí dịch vụ.
Năm 2021, tỷ lệ nợ xấu được VietinBank kiểm soát ở mức 1,3%

Tổng tài sản hợp nhất ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với 2020. Dư nợ tín dụng hợp nhất ước đạt 1,14 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng bình quân tăng 12,3% so với năm 2020. Huy động vốn được cân đối tối ưu với tốc độ tăng trưởng tín dụng, chi phí vốn được tiết giảm mạnh. Nguồn vốn huy động thị trường 1 hợp nhất ước đạt 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2020.

Ngoài ra, thu ngoài lãi tăng 20%, nguồn CASA tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Tỷ trọng tiền gửi CASA/ tổng nguồn vốn năm 2021 đạt 20%.

Cùng với đó, VietinBank thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển phân khúc bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng vào các khu vực địa bàn trọng tâm, trọng điểm, các ngành, lĩnh vực có tiềm năng khai thác, có sự phục hồi nhanh sau dịch COVID-19, các lĩnh vực ngành nghề được Chính phủ ưu tiên khuyến khích như tín dụng xanh, hỗ trợ tăng trưởng bền vững… Tính đến 31/12/2021, tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 57%, cải thiện tích cực so với mức 54% của năm 2020.

Sau gần 5 năm nỗ lực triển khai phương án tăng vốn điều lệ, tháng 07/2021, VietinBank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ 10,8 nghìn tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt các năm 2017 - 2019. Từ đó, tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng, tạo tiền đề nâng cao năng lực tài chính, tạo đà tăng trưởng của VietinBank.

Với việc mở rộng hệ sinh thái, tiến tới ngân hàng mở, cung cấp sản phẩm, dịch vụ của VietinBank trên các ứng dụng của đối tác như: Dịch vụ kết nối ERP doanh nghiệp, mở tài khoản, mở thẻ của VietinBank trên ứng dụng của Grab, Shopee, Sendo… Tỷ lệ chuyển dịch kênh số ở mức cao (80% đối với khách hàng cá nhân, 65% đối với khách hàng tổ chức), số lượng giao dịch tăng gấp 10 lần, số lượng khách hàng cá nhân giao dịch trên kênh số tăng 53%, khách hàng tổ chức tăng gấp 5 lần so với 2020.

Kết quả kinh doanh khả quan tạo nguồn lực để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro theo hướng thận trọng, nhằm chủ động ứng phó trước những khó khăn có thể xảy ra trong thời gian tới. Kết thúc năm 2021, tỷ lệ nợ xấu được VietinBank kiểm soát ở mức 1,3% tuân thủ hạn mức kế hoạch NHNN và ĐHĐCĐ giao. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện hết sức tích cực ở mức 171%, cao hơn so với năm 2020.

Năm 2021, VietinBank đã chủ động cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ về tín dụng, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Kể từ thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến cuối tháng 12/2021, VietinBank đã cho vay mới hơn 940 nghìn tỷ đồng cho khoảng 22 nghìn khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh; hỗ trợ giảm lãi suất cho khoảng 25 nghìn khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất hơn 400 nghìn tỷ đồng. VietinBank tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của NHNN cho khoảng 2.000 khách hàng.

Bên cạnh đó, VietinBank dành kinh phí tài trợ công tác an sinh xã hội với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng, trong đó dành hơn 166 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19...

Năm 2022, Ngân hàng đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng trưởng khoảng 5% - 10%; tín dụng tăng trưởng khoảng 10% - 14%; Nguồn vốn huy động tăng trưởng 10% - 12%; Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; Lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, tăng trưởng 10%- 20%.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục