Quyết đưa TP.HCM thành đô thị thông minh
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đề án trên được UBND Thành phố trình vào đầu tháng 10. Đề án yêu cầu phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, công nghệ là công cụ, phương tiện để kết nối, tương tác giữa người dân và chính quyền, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu thành phố có chất lượng cuộc sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Trong đó, việc xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu là giải pháp mang tính cấp thiết, giúp Thành phố dự báo tốt và giải quyết những thách thức của quá trình đô thị hóa và hỗ trợ việc hiện thực các mục tiêu của 7 chương trình đột phá cùng các bức xúc khác của người dân; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng phục vụ người dân, tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo xuất phát điểm thuận lợi cho việc triển khai các chương trình đột phá cho các giai đoạn tiếp theo.
Đề án mà UBND TP.HCM đưa ra còn kiến nghị chấp thuận chủ trương xây dựng Trung tâm Nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho Thành phố, kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho Thành phố; xây dựng Trung tâm An toàn thông tin Thành phố; đồng thời có ý kiến góp ý, định hướng đối với đề xuất xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị chấp thuận chủ trương cho Ban điều hành cập nhật Đề án căn cứ vào tình hình thực tiễn của Thành phố, có ý kiến góp ý của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án được hiệu quả.
Để thực hiện được đề án này, theo ông Phong, không hề dễ dàng với TP.HCM. Nhưng điểm mạnh của Thành phố hiện nay đó là định đội ngũ trí thức rất lớn, là tài nguyên tạo ra sự phát triển của Thành phố.
“TP.HCM muốn phát triển bền vững, chất lượng cao thì phải bằng con đường đổi mới sáng tạo và phải sử dụng được nguồn chất xám này. Chính vì vậy, TP.HCM đã thành lập Hội đồng khoa học, tập trung những nhà khoa học tâm huyết. Những vấn đề lớn, hóc búa của Thành phố đều được lấy ý kiến của Hội đồng khoa học. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã thành lập Hội đồng hiệu trưởng của các trường đại học với hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ để gắn kết chính quyền với các trường đại học. Muốn xây dựng thành phố thông minh thì cần phải có con người thông minh, lãnh đạo cũng cần phải thông minh”, ông Phong nói.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu đô thị cho rằng, muốn có đô thị thông, TP.HCM phải giải quyết được vấn nạn giao thông, bởi hiện nay, tổ chức hạ tầng đô thị TP.HCM đang được cho là khá tệ.
Về vấn đề này, kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường - cảng TP.HCM cho rằng, TP.HCM phải tăng cường năng lực vận tải của phương tiện giao thông công cộng, đổi mới chính sách quản lý giao thông công cộng và đề ra các chính sách quản lý giao thông thông minh.
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng TP.HCM thông minh hiện nay vẫn thiếu sự tham gia của đội ngũ trí thức. Trong đó, nhiều dữ liệu của Thành phố đã có, nhưng không tập trung, mà nằm rải rác. Trong khi trên thế giới hiện nay, các nước xây dựng đô thị thông minh đều xây dựng cơ sở dữ liệu theo hình thức tập trung và các doanh nghiệp đều có thể truy cập để tìm hiểu thông tin mà họ cần.
Đặc biệt, các chuyên gia cũng cho rằng, muốn làm đô thị thông mình, TP.HCM nên phát triển hạ tầng giao thông, thực hiện giảm tải giao thông nội đô, xử lý dứt điểm tình trạng kẹt xe và ngập lụt diễn ra ngày càng nghiêm trọng hiện nay.
Bài toán được giải bằng nhiều cách
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giảng viên Đại học Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, muốn phát triển đô thị thông minh thì TP.HCM phải có những phép giải đặc biệt cho bài toán đô thị thông minh. Trong đó, việc hạn chế xe cá nhân, TP.HCM cần sớm có lộ trình hợp lý và minh bạch, có giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể hơn nữa chứ không nửa vời như hiện nay.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, điểm khó của Thành phố hiện nay là cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý. Trong đó, diện tích đất nông, lâm, ngư nghiệp hiện chiếm tỷ lệ 56,3% tổng diện tích đất nhưng chỉ đóng góp 6.494 tỷ đồng cho GDP (chiếm tỷ trọng 0,89% GDP).
Trong khi đó, đất công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 6,8% nhưng đóng góp 726.978 tỷ đồng cho GDP (chiếm tỷ trọng 99,11% GDP TP.HCM). Một héc-ta đất nông, lâm, ngư nghiệp chỉ đem lại giá trị gia tăng khoảng 55 triệu đồng/năm; trong khi đất công nghiệp, dịch vụ đem về gần 51 tỷ đồng/năm, cao gấp 926 lần. Từ đó, ông Nhân đặt ra vấn đề cần nghiên cứu để chuyển một phần đất nông nghiệp sang đất cho phát triển công nghiệp và dịch vụ.
TP.HCM cần khoảng 40 tỷ USD vốn đầu tư đến năm 2020.
“Bên cạnh việc giữ rừng, giữ hệ sinh thái, TP.HCM cũng phải tính toán lại quỹ đất cho những mục đích sử dụng, sao cho phù hợp và phát huy cao nhất tiềm năng”, ông Nhân nói.
Một khó khăn nữa của Thành phố đang gặp phải đó là chưa giải được bài toán gia tăng dân số, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Trong hơn 40 năm qua, dân số TP.HCM liên tục gia tăng trong khi quỹ đất không thay đổi. Dự báo, đến năm 2020, TP.HCM sẽ thải ra khoảng 3,6 triệu tấn rác sinh hoạt mỗi năm, đến năm 2030, con số này là 4,7 triệu tấn.
Đây là thách thức rất lớn, nếu tiếp tục xử lý chất thải bằng cách chôn lấp thì hậu quả sẽ ra sao? Vì vậy, TP.HCM cần phải có công nghệ cao xử lý rác để đem lại hiệu quả cao nhất. Trong khi đó, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra hẳn một chương trình đột phá thứ 7 mang nội dung chỉnh trang và phát triển đô thị có nguyên một chương nói về việc giãn dân của TP.HCM bằng việc nghiên cứu để có chính sách giãn dân, quy hoạch lại giao thông để kéo giảm tình trạng kẹt xe.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khi giải quyết được bài toán này, sẽ giải quyết được việc phát triển TP.HCM là đô thị thông mình. Nhưng muốn giải bài toán này không dễ, phải cần nhiều cái đầu suy nghĩ của các nhà trí thức, khoa học nghiên cứu để giải quyết các vấn đề khác trong lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, làm sao để kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn nữa, tăng năng suất lao động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng hiệu quả hơn nguồn kiều hối, giảm tội phạm hình sự. Đặc biệt, ông Nhân quan tâm đến vấn đề phát huy nguồn lực con người.
Theo ông Nhân, điều quan trọng là chính quyền phải trong sạch, vững mạnh, cán bộ công chức phải lắng nghe dân, biết sợ dân khi dân không hài lòng, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá công việc và đạo đức cán bộ.
“TP.HCM phải trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, đáng đến. Như vậy, TP.HCM phải xây dựng chính quyền thông minh, thể hiện qua việc quy hoạch thông minh, điều hành thông minh, công dân thông minh, mỗi người dân là một cảm biến xã hội, hiến kế cho Thành phố. Doanh nghiệp thông minh, đồng hành với chính quyền Thành phố trong việc quy hoạch và phát triển; dịch vụ thông minh, theo nhu cầu của xã hội, hỗ trợ cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội”, ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để phát triển đô thị thông minh, Thành phố đã giao các sở ngành và quận, huyện… rà soát, đánh giá quá trình thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025.
Sau khi rà soát, TP.HCM đã đưa ra một bản quy hoạch xây dựng vùng, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2025, các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 - 1/5.000, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành - lĩnh vực của vùng và của TP.HCM, tổ chức lập hồ sơ đề xuất các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đang thiết kế đô thị theo hướng tái cấu trúc tại các khu vực nhà ga, các tuyến đường sắt đô thị (metro, monorail…) nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất, đồng thời tăng hiệu quả đầu tư các tuyến đường sắt đô thị. Từ đó, hứng những dự án giao thông khác vào một trục nhất định để đưa giao thông liên kết lại với nhau theo trục vòng tròn lấy trung tâm Thành phố là trung tâm và các quận huyện vùng ven làm liên kết.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com