Năm 2020 sẽ tiếp tục gian nan và khó khăn với doanh nghiệp

“Dư địa lớn nhất vẫn là cải cách thể chế. Còn rất nhiều vấn đề phải triển khai trong thời gian tới, để bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020 tươi sáng hơn", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.
Ông Vũ Tiến Lộc (thứ tư từ phải sang) cho rằng, quy mô nền kinh tế tăng nhanh nhưng sức khoẻ doanh nghiệp trong nền kinh tế có vấn đề. Ông Vũ Tiến Lộc (thứ tư từ phải sang) cho rằng, quy mô nền kinh tế tăng nhanh nhưng sức khoẻ doanh nghiệp trong nền kinh tế có vấn đề.

Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư và phát triển kinh doanh Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Cơ hội tăng tốc và bứt phá” do Hiệp hội các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam tổ chức sáng nay tại TP.HCM, các diễn giả giữ góc nhìn lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế thời gian tới nhưng cần cẩn trọng.  

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, nền kinh tế nước nhà đã có một năm 2019 rất dũng cảm, đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp.

Có thể nói quy mô nền kinh tế tăng nhanh, vào tốp 50 nền kinh tế thế giới, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ đang sinh sôi khi năm 2019 có gần 40.000 doanh nghiệp thành lập mới và nếu cộng cả nhóm doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là khoảng 180.000 doanh nghiệp. 

Mặc dù vậy, Việt Nam đang bước vào năm 2020 - năm được đánh giá sẽ tiếp tục gian nan và khó khăn, nếu không muốn nói là khó khăn hơn. Bởi, giảm tốc kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung chưa có xu hướng giảm nhiệt. 

Dẫn chứng, tăng trưởng kinh tế từ 2019 trở về trước đều đến từ khu vực chế biến chế tạo, coi đây là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế. Dù khu vực này tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, tăng trưởng xấp xỉ 11,4% nhưng tồn kho khu vực này tăng 17,2%. 

Ngoài ra, ngành du lịch thu hút 18 triệu du khách năm 2019 và Ngân hàng Thế giới đánh giá đang chạm đến điểm bùng phát của du lịch, tốc độ tăng trưởng khách du lịch không đi kèm phát triển về cơ sở hạ tầng sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế. 

60% doanh nghiệp đang kinh doanh không có lãi, không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. 3 năm liên tiếp vừa qua, nguồn thu từ khu vực sản xuất kinh doanh trong nước không đạt kế hoạch. 

Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các thị trường đều giảm, hoặc chỉ tăng không đáng kể, ngoại trừ thị trường Hoa Kỳ. 70% xuất khẩu thuộc về khối doanh nghiệp FDI, thị trường bất động sản hay thị trường chứng khoán đều chưa khởi sắc trong thời gian qua.

Việt Nam còn hành trình rất xa để đạt được mục tiêu nằm trong tốp 4 của ASEAN khi năng lực cạnh tranh đang xếp thứ 7 và môi trường kinh doanh xếp thứ 5 trong khu vực.

Đó là hành trình xa về thể chế, trước một loạt vấn đề được đặt ra cần giải quyết. Tất cả các vấn đề này được giải quyết sẽ quyết định tương lai nền kinh tế Việt Nam. 

VCCI đã đề xuất 25 điểm chồng chéo của các văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh đang cản trở rất lớn đến đưa các dự án vào hoạt động. 

Như vậy, còn rất nhiều vấn đề phải triển khai trong thời gian tới, để bức tranh kinh tế năm 2020 tươi sáng hơn.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục