Năm 2020, sẽ giám sát sâu dấu hiệu tăng vốn ảo

(ĐTCK) Tăng vốn nhưng không có dòng tiền thật, tiền mới chảy vào doanh nghiệp là câu chuyện không hiếm và điều nguy hiểm là ở chỗ, hoạt động tăng vốn thường diễn ra mạnh mẽ ngay trước thời điểm doanh nghiệp (DN) thực hiện đưa cổ phiếu lên sàn. 
Năm 2020, sẽ giám sát sâu dấu hiệu tăng vốn ảo

Hệ quả chung là sau thời gian ngắn DN giữ được thị giá là chu kỳ dài rơi sâu của các mã có yếu tố vốn ảo, gây mất mát không nhỏ cho nhà đầu tư đại chúng.

130 mã cổ phiếu có giá dưới 2.000 đồng đang hiện diện trên sàn HOSE, HNX và UPCoM là một hiện thực cho thấy, việc giám sát chất lượng DN niêm yết, chất lượng DN tăng vốn cần phải có sự đổi mới để giảm “hàng rác” lên sàn.

Hiện không có thống kê chính xác nào về con số thua lỗ của nhà đầu tư khi mua phải cổ phiếu yếu, nhưng nhìn trên hiện thực các mã niêm yết trên sàn HOSE, chẳng hạn MCG (lên sàn giá 30.000 đồng, nay còn 1.800 đồng/CP), TNT (lên sàn giá 22.000 đồng, nay còn 1.600 đồng/CP), DLG (lên sàn giá 20.000 đồng, nay còn 1.500 đồng/CP), LCM (lên sàn giá 25.000 đồng, nay còn 700 đồng/CP)… cùng hàng chục mã khác có tình trạng tương tự trên sàn HNX và con số nhiều hơn trên UPCoM, ai cũng sẽ thấy, sự mất mát của nhà đầu tư là rất lớn, đòi hỏi nhà quản lý phải có giải pháp mới chặn cổ phiếu yếu lên sàn.

Chia sẻ với Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) mới đây, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, năm 2019, lượng cung trên TTCK giảm khá mạnh, không chỉ ở khối doanh nghiệp nhà nước hầu như bị tắc cổ phần hóa, tắc việc bán vốn, mà còn ở việc hoạt động phát hành mới cổ phiếu ra công chúng của các DN đại chúng cũng suy giảm.

Cụ thể, tổng giá trị cổ phiếu đăng ký phát hành tính đến cuối tháng 11/2019 chỉ đạt 104.000 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2018. Lãnh đạo UBCK kỳ vọng bức tranh TTCK năm 2020 sẽ tích cực hơn, khi các hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước tìm được cách vượt qua điểm nghẽn, cùng với đó TTCK khởi sắc sẽ giúp các doanh nghiệp đại chúng tiếp tục thực hiện các nỗ lực tăng vốn qua sàn.

Tuy nhiên, ở góc nhìn của nhà đầu tư đại chúng, sau những vấp váp và mất mát vì mua phải hàng yếu, hàng ảo, họ không còn dễ bỏ tiền ra mua cổ phiếu khi còn thiếu niềm tin nơi doanh nghiệp.

Các DN muốn huy động được vốn từ đại chúng sẽ không chỉ cần có hồ sơ đẹp, mà phải xây được tương lai phát triển đủ sức làm nhà đầu tư tin tưởng.

Về phía nhà quản lý, chia sẻ với báo giới về hoạt động điều hành TTCK 2020 mới đây, lần đầu tiên UBCK đưa ra thông điệp: “Sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động trên TTCK, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích”.

Chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, các kiểm toán viên cũng sẽ phải chịu sự giám sát chặt hơn để phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời.

Nhưng làm cách nào để chặn được DN yếu, DN ảo lên sàn nếu nhà quản lý chỉ xem xét việc chấp thuận tư cách doanh nghiệp đại chúng hay việc xin phát hành, xin niêm yết trên hồ sơ của DN gửi đến?

Nếu DN có đầy đủ các điều kiện phù hợp với quy định pháp luật, có cách nào để giám sát, chỉ ra và chặn lại những hiện tượng gian dối, làm ảo, làm giả để đội vốn lên sàn?

Ðây là những vấn đề nhà quản lý cần có giải pháp và truyền thông mạnh mẽ ra công chúng, để dư luận hiểu và có nơi đặt niềm tin trong bối cảnh giá trị này đã bị mai một sau những mất mát trên thị trường.

Năm 2019, VN-Index tăng 8%, nhưng hoạt động huy động vốn từ cổ phiếu của các DN đại chúng lại giảm 41% so với năm 2018. Sứ mệnh của TTCK là tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các DN, cho nền kinh tế, nhưng đặt 2 số liệu trên cạnh nhau cho thấy, vế huy động vốn dường như đang hụt bước trong năm 2019 sắp qua…

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ