Năm 2020, phấn đấu tăng trưởng 4 - 4,5%

Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận tổ chiều 8/6 của Quốc hội về tình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài 14 năm, đội vốn khủng, đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành, gây nhiều bức xúc. Ảnh: Đức Thanh Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài 14 năm, đội vốn khủng, đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hành, gây nhiều bức xúc. Ảnh: Đức Thanh

Không đặt chỉ tiêu tăng trưởng 6,8%

Tại các kỳ họp trước, thảo luận tổ về nội dung này thường được bố trí ngay từ đầu kỳ họp. Tuy nhiên, đầu kỳ họp này, Quốc hội họp trực tuyến (đại biểu tham gia từ 63 điểm cầu), nên không bố trí thảo luận tổ.

Như thông lệ, hai đoàn TP.HCM và Hà Nội là hai tổ riêng, 17 tổ còn lại mỗi tổ gồm 3 - 4 đoàn đại biểu của các tỉnh, thành phố ghép lại.

Nhận xét chung, nhiều đại biểu đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ thời gian qua, nhất là thành công bước đầu trong chống Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận xét, sự điều hành của Chính phủ rất đúng đắn, kịp thời, linh hoạt và sáng tạo, có sự đóng góp rất lớn của công an, bộ đội, cán bộ y tế và sự đồng hành hiệu quả của báo chí, truyền thông, ngành điện, văn hóa - văn nghệ.

Tham gia thảo luận tại tổ 3 (gồm các đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bình Phước), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, mô hình quản trị của đất nước gần 100 triệu dân với định hướng XHCN là rất khó, trong khi các thế lực thù địch chống phá ta rất nặng nề. “Ta có cái khác các nước khác là các thế lực thù địch luôn ở bên cạnh, sẵn sàng đối đầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Khái quát thành quả sau 30 năm đổi mới, Thủ tướng khẳng định, từ một đất nước đói ăn, thiếu ăn, nợ nần chồng chất, chúng ta đã vượt qua nhiều thác ghềnh để tiến bước. Thành quả đạt được hiện nay là rất lớn lao đối với lịch sử, đất nước. Từ dân tộc không có tên trên bản đồ, đến giờ này, cả thế giới đều hiểu Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, hiện trên tay Thủ tướng, hàng vạn người từ nước ngoài đăng ký về Việt Nam. Việt Nam đã không những giữ được chế độ, công bằng, dân chủ, mà từ nước thiếu ăn, năm nay, Việt Nam phấn đấu xuất gạo hàng đầu thế giới.

Nhắc lại tổng kết năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “chưa bao giờ đất nước có cơ đồ như ngày hôm nay”, Thủ tướng nhấn mạnh, ý nghĩa đó rất lớn trên nhiều mặt, kể cả đời sống, tiêu dùng, cân đối lớn của nền kinh tế.

“Ta ngồi giữa Hội trường Ba Đình yên bình, nắng vàng rực rỡ, nhân dân tin tưởng vào Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng nói.

Về kế hoạch phát triển năm 2020, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm cho khó khăn của đất nước và thế giới chưa bao giờ lớn như thế. Với tăng trưởng kinh tế, sẽ không đặt chỉ tiêu tăng trưởng 6,8%, mà phấn đấu ở mức 4 - 4,5% và có thể cao hơn.

Đề cập hiệu quả đầu tư công, Thủ tướng cho biết, vừa qua, ông đã gửi thư đến chủ tịch, bí thư các tỉnh và các bộ trưởng với nội dung: “Các đồng chí phải tập trung chỉ đạo xử lý vấn đề đầu tư công tại địa phương mình. Lần này, Bộ Chính trị, Chính phủ đã trình Quốc hội một cơ chế, nếu như năm nay, bộ nào không giải ngân vốn đầu tư công, thì sẽ điều chuyển vốn đi chỗ khác, địa phương mà không giản ngân vốn đầu tư công tốt sẽ điều chuyển sang địa phương khác”.

Ông cũng yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên, toàn dân một lòng đoàn kết, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo để đưa đất nước tiến lên trong giai đoạn khó khăn khi toàn cầu đang chìm trong khó khăn, chưa mở cửa.

Lo lắng về những yếu kém

Đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ, song các đại biểu cũng còn lo lắng về những yếu kém của nền kinh tế.

Quan tâm đến các giải pháp giải quyết các vấn đề đã gây bức xúc nhiều năm mà chưa giải quyết được, đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng) đề cập 12 dự án yếu kém ngành công thương khiến hàng chục ngàn tỷ đồng đắp chiếu, điển hình như Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Dự án Nhiệt điện Thái Bình...

“Thủ tướng rất tâm huyết, nhưng hình như các bộ, ngành chưa quyết liệt. Cơ chế còn mắc mớ, khi đặt vấn đề anh nào quyết anh đó phải chịu trách nhiệm thì không ai dám quyết”, đại biểu Thuận Hữu, người đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu.

Theo ông Thuận Hữu, đây là lý do khiến Nhiệt điện Thái Bình cứ mỗi ngày mở mắt ra là mất một xe ô tô Toyota. Rồi đường sắt Cát Linh - Hà Đông kéo dài 14 năm, đội vốn khủng, như nhát dao chém vào lòng tin của dân.

“Nếu không thể vận hành được thì nên biến thành bảo tàng đường sắt, chứ để thế rất đau khổ, dân bức xúc”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị.

Cũng đề cập 12 dự án “đắp chiếu”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu Võ Trọng Việt cho rằng, có những cái quá khứ để lại thì khó có thể giải quyết một sớm, một chiều.

Về vấn đề trên, Thủ tướng cho biết, có những sai lầm trong quá khứ đã để lại hậu quả rất nặng nề, nhưng quá trình khắc phục phải từng bước, không thể vì sốt ruột mà để mất thêm cán bộ.

Tại nhiều tổ thảo luận khác, đại biểu cũng sốt ruột với đầu tư công. “Giờ phải xem xét chặt chẽ việc giải ngân vốn đầu tư công, phải gắn với trách nhiệm”, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị.

An Nguyên - Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục