Năm 2020 lương tối thiểu vùng tăng 5,5%

Mức tăng 5,5% được cho là sẽ đáp ứng 100% mức sống tối thiểu cho người lao động.
Lương tối thiểu vùng năm 2020 lên 5,5% so với 2019. Lương tối thiểu vùng năm 2020 lên 5,5% so với 2019.

Sau cuộc thương lượng thứ 2 tổ chức chiều 11/7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 lên 5,5% so với 2019. 

Theo đó, năm 2020, lương tối thiểu mỗi tháng ở vùng 1 sẽ tăng từ 4,18 lên 4,42 triệu đồng (tăng 240.000 đồng), vùng 2 tăng từ 3,71 lên 3,92 triệu đồng (tăng 210.000 đồng); vùng 3 tăng từ 3,25 lên 3,43 triệu đồng (tăng 180.000 đồng); vùng 4 tăng từ 2,92 lên 3,07 triệu đồng (tăng 150.000 đồng).

Mức tăng 5,5% được cho là sẽ đáp ứng 100% mức sống tối thiểu cho người lao động và sẽ được Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình lên Chính phủ để quyết định.

Tham gia cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, với mong muốn cải thiện tốt nhất đời sống của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 8,18% hoặc 7,06% (lần thương lượng đầu tiên), sau đó đưa thêm một phương án tăng 6,52% ở lần thương lượng thứ 2.

Ngược lại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI, đại diện cho phía doanh nghiệp), cho rằng cần giãn lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đến năm 2020 hoặc chỉ nên điều chỉnh mức tăng thêm 1-2%. Lý do là để hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng lao động, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, xử lý rủi ro suy giảm tăng trưởng có tính chu kỳ. Sau khi thảo luận, VCCI nhích mức tăng lên 2,5-3,5%, sau đó là 4%.

Cuối phiên thương lượng, các bên đã thống nhất đưa ra mức tăng 5,5% và đạt được đồng thuận khi bỏ phiếu.

Tại phiêp họp lần đầu tiên hồi tháng 6, đại diện VCCI đề xuất mức tăng dưới 2% và phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng 8,1%.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp, người lao động thỏa thuận và trả lương. Người được áp dụng mức lương này làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật lao động; làm việc trong doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục