Theo ông Khởi, quan sát diễn biến nền kinh tế thời gian qua, có thể thấy bất động sản vẫn là lĩnh vực hấp dẫn khối ngoại. Từ năm 2016 đến nay, FDI đổ vào lĩnh vực này luôn xếp thứ 2, chủ yếu ở phân khúc bất động sản công nghiệp và hình thức là M&A.
Kết thúc 4 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực này tiếp tục cho thấy khả năng hút dòng tiền đầu tư. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ hai khi thu hút được 1,1 tỷ USD vốn FDI, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi. Ảnh: Thành Nguyễn.
“Theo tôi, có được điều này là từ bối cảnh chung của kinh tế thế giới, đặc biệt trong xu hướng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn lớn khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng”, ông Khởi nhận xét.
Dự báo về những yếu tố tác động đến thị trường những tháng cuối năm, ông Khởi cho rằng, 8 tháng cuối năm, có một số yếu tố có thể tác động đến thị trường. Điển hình là các câu chuyện về chính sách. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký hai Chỉ thị: Chỉ thị 09 đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cho những tháng cuối năm; Chỉ thị số 11 về một số giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, một số chính sách có thể có tác động đến thị trường như việc sửa các luật: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang được giao sửa đổi Luật Nhà ở. Hướng sửa là khuyến khích đầu tư bằng những chính sách ưu đãi hơn cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội.
Mặc dù các luật sửa đổi nếu được thông qua cũng đến đầu năm 2020 mới có hiệu lực, chưa tác động ngay tới thị trường, nhưng theo ông Khởi, các doanh nghiệp cũng cần có sự chuẩn bị trước để tránh bị động.
Đại diện Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho rằng, thời gian tới, có thể hình thức BT sẽ bị hạn chế hơn nhiều so với thời điểm hiện tại, theo hướng chuyển sang đấu giá đất, các doanh nghiệp sẽ không dễ dàng được giao đất làm dự án như thời gian qua.
Dự báo bức tranh thị trường năm 2019, theo ông Khởi, thị trường năm không có nhiều khác biệt hay nổi bật hơn năm 2018. Có chăng là sự cơ cấu lại nguồn hàng trong bất động sản, phân định rõ ràng về loại hình sản phẩm (sản phẩm nào thuộc phạm vi điều chỉnh của luật nào), rõ ràng hơn về cơ chế đầu tư.
Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, ông Khởi cho rằng, có thể sẽ có sự nổi lên của các địa phương mới, thị trường mới. Việc các địa phương đi trước được hưởng lợi từ việc phát triển loại hình sản phẩm này sẽ mang tính kích thích các địa phương còn lại, có tiềm năng nhưng chưa được khai thác tương xứng.
“Chúng ta không phải lo lắng về bong bóng bất động sản, hay chu kỳ lặp lại 10 năm như nhiều người lo lắng. Bởi hiện tại, các cơ quan quản lý đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó và các cách xử lý linh hoạt, hiệu quả”, ông Khởi nhấn mạnh.