Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 3.912 tỷ đồng và 3.135 tỷ đồng, tăng 21% và 19,7% so với năm 2018. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 4.220 đồng, tăng 19%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận tiếp tục được cải thiện, đạt 16,8% (năm 2018 đạt 16,6%).
Đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của FPT, khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 15.783 tỷ đồng và 1.973 tỷ đồng, tăng tương ứng 17,8% và 29,9% so với cùng kỳ.
Khối Viễn thông của FPT đạt 10.398 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 1.808 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ Viễn thông lần lượt đạt 9.789 tỷ đồng và 1.488 tỷ đồng, tăng lần lượt 18,0% và 30,2% so với cùng kỳ.
Năm 2019, các mảng kinh doanh của FPT tại thị trường nước ngoài mang về 11.452 tỷ đồng doanh thu, tăng 25,7%, chiếm 41% doanh thu của Tập đoàn. Trong đó, doanh thu từ thị trường nước ngoài của khối công nghệ đóng góp 10.848 tỷ đồng, tăng 28,5%. Thị trường Mỹ và thị trường châu Á - Thái Bình Dương của khối công nghệ là điểm sáng khi lần lượt tăng trưởng ấn tượng 47% và 43% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế từ các thị trường nước ngoài đạt 1.894 tỷ đồng, tăng 26,9%, chiếm 41% lợi nhuận trước thuế của FPT. Trong đó, lợi nhuận từ thị trường nước ngoài của khối công nghệ đóng góp 1.723 tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2018.
Với chiến lược chuyển đổi số, năm 2020, FPT kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận cao của năm 2019, trong đó khối công nghệ là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 21/1, cổ phiếu FPT bất ngờ giảm khá mạnh 3,3% và đứng tại mức giá 55.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 4,35 triệu đơn vị.