Theo đó, kết thúc năm 2018, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 2.258 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra.
Như vậy, so với cuối năm 2015 - thời điểm sau tái cơ cấu thành công và nhà băng bắt đầu có lãi, chỉ sau 3 năm, quy mô lợi nhuận của TPBank đã tăng trưởng gần gấp 4 lần, từ 625 tỷ đồng lên 2.258 tỷ đồng. Có thể nói, đây là mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng đối với một ngân hàng trẻ, mới chuyển mình từ sau giai đoạn tái cơ cấu.
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 136 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 12 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt trên 10.5 nghìn tỷ đồng, đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn mới Basel II.
Tổng vốn huy động đạt hơn 118 nghìn tỷ đồng, trong đó nhà băng cho thấy sự tăng trưởng bền vững nhờ thay đổi cơ cấu vốn huy động, tăng huy động từ thị trường 1 và giảm phụ thuộc vào thị trường 2.
Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng được kiểm soát ở mức tốt, xấp xỉ 1%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch dưới 2% đề ra đầu năm. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng tốt, tập trung hướng tới phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó dư nợ thị trường 1 tăng mạnh, đạt hơn 84 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13 nghìn tỷ đồng so với 2017.
Đại diện nhà băng cho biết, năm 2018, TPBank kiểm soát tốt chi phí hoạt động, qua đó góp phần tăng trưởng đáng kể lợi nhuận của ngân hàng.
Cũng trong năm 2018, TPBank đã 3 lần được Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm với nhiều chỉ tiêu quan trọng được cải thiện, đáng chú ý là chỉ số sức mạnh nội tại BCA của ngân hàng được nâng lên mức B1.