Năm 2016, dòng tiền tiếp tục chảy vào blue-chips

(ĐTCK) “Nếu Nhà nước thoái toàn bộ vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh theo hình thức bán lô lớn, tôi có thể tìm được nhà đầu tư sẵn sàng trả giá 200.000 đồng/cổ phần”.
Năm 2016, dự báo nhiều cổ phiếu sẽ khó có đột phá về giá như năm 2015 Năm 2016, dự báo nhiều cổ phiếu sẽ khó có đột phá về giá như năm 2015

Giữ đẳng cấp

Một chuyên gia tài chính am hiểu về ngành nhựa xây dựng Việt Nam chia sẻ như vậy trong câu chuyện trà dư tửu hậu về triển vọng các DN lớn năm 2016. Thị giá cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP) đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2015 ở mức 131.000 đồng/CP.

Ví dụ trên cho thấy sức hấp dẫn của các cổ phiếu blue-chips và DN kinh doanh hiệu quả sẽ còn tiếp tục trong năm 2016. Triển vọng của Nhựa Bình Minh trong năm mới khá lạc quan đến từ đóng góp của Nhà máy Long An mới đi vào hoạt động giai đoạn 1.

Dự kiến, nhà máy mới đem lại cho Nhựa Bình Minh trên 150 tỷ đồng doanh thu. Trong năm 2016, Công ty có kế hoạch đầu tư thêm 600 tỷ đồng cho Nhà máy Long An giai đoạn 2 và nâng cấp máy móc thiết bị các nhà máy cũ. BMP là một trong những cổ phiếu đạt mức tăng giá mạnh nhất trong năm 2015 (tăng 86,6%).

Trong ngành ngân hàng, cổ phiếu VCB của Ngân hàng Vietcombank đã tăng lên vùng giá cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đóng cửa phiên giao dịch cuối năm tại 43.900 đồng/CP.

Không chỉ gấp gần 3 lần về thị giá, thanh khoản của VCB cũng cao hơn hẳn so với cổ phiếu CTG của Vietinbank. Trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm, nhiều NĐT mua vào cổ phiếu để chờ đầu năm mới bán ra lấy may đã chỉ nhập hàng các blue-chips như VCB, HPG, FPT, dù những cổ phiếu này tăng giá và duy trì thị giá ở mức khá cao so với nhiều mã khác.

Với nhiều NĐT ngoại, khi được hỏi những cổ phiếu và DN nào họ đánh giá cao, Vinamilk và Thế giới Di động được nhắc đến khá nhiều. Không ít tổ chức đầu tư còn tỏ ra tiếc nuối khi họ đã từng đưa Thế giới Di động vào danh mục khảo sát và loại cổ phiếu này chỉ vì DN chưa lên sàn.

“Chúng tôi rất muốn Việt Nam có thêm nhiều công ty như vậy được niêm yết để tạo ra những câu chuyện thành công và có thể tạo sức cuốn hút các NĐT mới”, tổng giám đốc một quỹ đầu tư chia sẻ.

Theo quan điểm của NĐT trên, năm 2016, khi bỏ vốn vào thị trường Việt Nam, các quỹ sẽ cân nhắc rất nhiều đến câu chuyện tỷ giá. Ngay cả những NĐT được coi thành công nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu tính cả yếu tố VND mất giá những năm qua, tỷ suất lợi nhuận thực sự không quá hấp dẫn.

Đại diện VinaCapital đã bày tỏ mối quan ngại này trong một số diễn đàn gần đây. Theo nhận định của giới phân tích, đây cũng chính là ẩn số lớn nhất với dòng vốn ngoại trong năm 2016.

Trong báo cáo mang tựa đề “Quá trình tư nhân hóa” gửi các NĐT gần đây, VinaCapital nói rằng, động thái đẩy mạnh cổ phần hóa và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các DN lớn của Chính phủ Việt Nam năm 2015 là hướng đi phù hợp với xu thế khu vực và trên thế giới. Những nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh đều có mũi nhọn tăng trưởng là kinh tế tư nhân. Động thái này cũng mở ra nhiều cơ hội cho các NĐT trong thời gian tới khi có thể lựa chọn được cổ phiếu tốt của những DN kinh doanh hiệu quả. 

Khó có đột phá

Tuy cùng chia sẻ nhận định blue-chips sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền của NĐT trong năm mới, song giới phân tích chứng khoán đều cho rằng, sẽ khó có đột phá về thị giá với các cổ phiếu này trên sàn. Giám đốc một quỹ chuyên quản lý tiền của các NĐT Nhật Bản nhận xét, nếu so các chỉ số của VNM với IBM chẳng hạn, NĐT nước ngoài khó thấy mức độ hấp dẫn của chứng khoán Việt vì các chỉ số đều cao hơn khá nhiều.

Tất nhiên, đặc thù của mỗi thị trường là khác nhau, nhưng điều đó cho thấy, mức độ đột phá của nhiều blue-chips không dễ vì định giá của chúng hiện tương đối cao so với các cổ phiếu của DN có quy mô tương đương ở các thị trường khu vực và thế giới.

Năm 2015, thị trường từng chứng kiến một số con sóng xoay quanh các blue-chips đã kín “room” cho NĐT nước ngoài, hoặc nằm trong diện Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước sẽ thoái vốn toàn bộ như VNM, FPT, REE... Tuy nhiên, sau đó nhiều cổ phiếu đã giảm về mức giá chân sóng và duy trì cho đến thời điểm này.

Với những NĐT chiến lược, có thể mua cổ phiếu lô lớn đầu tư dài hạn vào các DN kinh doanh hiệu quả, chắc chắn họ sẽ chấp nhận thị giá cổ phiếu cao hơn rất nhiều so với giá cổ phiếu trên sàn. Tuy nhiên, liệu các NĐT thứ cấp có dám đu theo để neo mức giá cao như vậy hay không, thì câu trả lời e là không dễ vì NĐT chiến lược còn hướng đến các lợi ích khác như phân chia thị trường, tiêu thụ nguyên vật liệu…, chứ không đơn thuần là đầu tư tài chính.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục