Năm 2016, có 1.448 dự án đầu tư công chậm tiến độ, 590 dự án có thất thoát, lãng phí…

Dù đã có nhiều tiến bộ trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, song tình trạng chậm tiến độ, gây thất thoát, lãng phí vẫn còn, khiến các cơ quan quản lý nhà nước đau đầu.
Do các quyết định đầu tư thiếu chính xác, nhiều dự án đầu tư lâm vào tình trạng "đắp chiếu". Ảnh: Đ.T Do các quyết định đầu tư thiếu chính xác, nhiều dự án đầu tư lâm vào tình trạng "đắp chiếu". Ảnh: Đ.T

Dự án chậm tiến độ

Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2016 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ. Một trong những nội dung đáng chú ý, đó là theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, công tác đầu tư từ ngân sách Trung ương được chấn chỉnh và có chuyển biến tích cực, nguồn vốn ngân sách địa phương được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao.

Đồng thời, việc đầu tư từ các nguồn vốn nhà nước khác, đặc biệt là từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước đã bước đầu có chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh khá lớn.

Nếu tiếp tục dàn trải ở khâu bố trí vốn chi tiết cho từng dự án thì sự dàn trải và lãng phí sẽ tăng theo cấp số nhân

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư

“Chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư một mặt gây khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.

Thực tế, theo số liệu tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016, có 1.448 dự án chậm tiến độ, chiếm 3,21% số dự án thực hiện trong kỳ (bao gồm 34 dự án nhóm A, 391 dự án nhóm B, 1.023 dự án nhóm C).

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ này chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng, do bố trí vốn không kịp thời, cũng do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu, cũng như do các thủ tục đầu tư đôi khi còn kéo dài…

"Một số liệu đáng chú ý khác, đó là cũng trong năm 2016, có 960 dự án phải điều chỉnh tổng vốn đầu tư. Đặc biệt, trong năm đã phát hiện 27 dự án vi phạm về thủ tục đầu tư, 39 dự án vi phạm về quản lý chất lượng…”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ như vậy và cho rằng, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước tiên thuộc về các chủ đầu tư và người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Điều đáng nói nằm ở chỗ, dù Chính phủ đã có các quy định rất minh bạch về việc các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải nghiêm túc thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư và gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như đăng tải trên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, song nhiều năm nay, công tác này không được tuân thủ nghiêm túc.

Năm 2016, chỉ có khoảng 79,5% số dự án trong kỳ thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư. Giám sát đầu tư còn lỏng lẻo cũng là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả đầu tư công chưa được như kỳ vọng, gây thất thoát, lãng phí.

Hiến kế chống thất thoát, lãng phí

Chậm tiến độ gây ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư đã đành, nhiều dự án đầu tư công còn gây thất thoát, lãng phí khá lớn. Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới là năm 2016, có tới 590 dự án có thất thoát, lãng phí…

Khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các dự án có thất thoát, lãng phí chủ yếu là do phát sinh các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.

Tuy nhiên, báo cáo Quốc hội mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã “nhận diện” tới 3 lãng phí lớn trong đầu tư công. Đó là lãng phí từ khâu phê duyệt dự án; lãng phí trong khâu bố trí vốn và thực hiện dự án; và lãng phí ngay từ khâu thiết kế, xây dựng chính sách, chương trình.

Trong đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãng phí từ khâu thiết kế, xây dựng chính sách, chương trình được xem là “phần lãng phí lớn nhất”, có ảnh hưởng rộng nhất.

“Nếu tiếp tục dàn trải ở khâu bố trí vốn chi tiết cho từng dự án thì sự dàn trải và lãng phí sẽ tăng theo cấp số nhân”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích và cho rằng, lãng phí tại khâu phê duyệt dự án chủ yếu xuất phát từ quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, do quy trình quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định chủ trương không chặt chẽ... Và điều này sẽ dẫn tới dự án không hiệu quả, hoặc “đắp chiếu để đấy”, không phát huy tác dụng, lãng phí phần vốn đã được đầu tư...

Trong khi đó, ở khâu bố trí vốn và thực hiện dự án, bố trí vốn dàn trải trong bối cảnh nguồn lực hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài, thậm chí khiến dự án bị bỏ dở, gây lãng phí cơ hội sớm hoàn thành dự án để phục vụ phát triển, lãng phí thời gian, lãng phí năng lực thi công của các nhà thầu...

“Trong thời gian tới, khi điều kiện nguồn vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, cần xem xét kỹ lưỡng quá trình lựa chọn các công trình, dự án để thực hiện các thủ tục quyết định đầu tư, khởi công mới, phù hợp khả năng cân đối của ngân sách, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị.

Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư công, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chặt chẽ, không tạo kẽ hở dễ bị lợi dụng làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công.

Chưa nhiều địa phương thực hiện nghiêm túc báo cáo giám sát cộng đồng

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2016, trong số 63 tỉnh, thành phố, chỉ có 29 địa phương có báo cáo giám sát cộng đồng.

Theo số liệu của 29 địa phương này, có 10.831 dự án được thực hiện giám sát cộng đồng, trong đó 6.007 dự án sử dụng vốn và công sức cộng đồng, vốn ngân sách cấp xã vốn tài trợ trực tiếp cho xã; 4.037 dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công, dự án PPP; 787 dự án sử dụng nguồn vốn khác.

Trong số hơn 10.000 dự án được giám sát cộng đồng, có 384 dự án phát hiện có vi phạm; 1.760 dự án chưa được cộng đồng giám sát, trong đó có 326 dự án do các cơ quan, chủ đầu tư chưa công khai thông tin.

Số liệu trên cho thấy, kết quả triển khai hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng còn rất hạn chế. Điều này cũng ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, cũng như công tác chống thất thoát, lãng phí trong các dự án đầu tư.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục