Chia sẻ về định hướng cơ bản của việc hợp nhất 2 Sở GDCK, Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho hay, việc hợp nhất phải đảm bảo nguyên tắc gắn với các mục tiêu phát triển dài hạn của TTCK Việt Nam, đảm bảo thị trường hoạt động liên tục, hạn chế tối đa việc gây xáo trộn lớn cho thị trường và phát huy tiềm năng sẵn có của các hệ thống hiện tại.
Dự kiến, giai đoạn 2015 - 2020, Sở GDCK Việt Nam sẽ là DNNN, hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao là chính, lấy thu bù chi, thay vì cơ chế hoạt động hoàn toàn vì mục tiêu lợi nhuận. Sau năm 2020, Sở GDCK Việt Nam sẽ được cổ phần hóa, với dự kiến Nhà nước nắm từ 75 - 90% vốn, các CTCK thành viên nắm 10 - 25% vốn.
Theo nghiên cứu của Vụ Phát triển thị trường, mô hình tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán được định hình trên điều kiện kinh tế - xã hội và lịch sử phát triển của mỗi quốc gia. Trên thế giới có 3 mô hình chính.
Thứ nhất, mô hình nhiều Sở GDCK hoạt động độc lập, tách biệt về hàng hóa, công nghệ (Nga, Trung Quốc, Cộng hòa Séc).
Thứ hai, mô hình 1 Sở GDCK duy nhất, được thành lập từ việc hợp nhất, sáp nhập các Sở GDCK với nhau. Theo Vụ Phát triển thị trường, hiện nay, khá nhiều nước đi theo mô hình này như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia…
Thứ ba là mô hình nhiều Sở GDCK cùng tồn tại, điển hình là Mỹ. Trải qua nhiều vụ sáp nhập, thành lập mới các Sở GDCK, Mỹ hiện có 10 công ty Sở GDCK, quản lý 14 Sở GDCK trực thuộc.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu, TTCK được vận hành với mô hình 2 Trung tâm GDCK và nay là 2 Sở GDCK. Tuy nhiên, với quy mô thị trường còn rất nhỏ (45 tỷ USD), việc duy trì mô hình 2 Sở làm cho thị trường bị chia cắt, không thống nhất trong quản lý, làm tăng chi phí xã hội, chi phí của các tổ chức kinh doanh chứng khoán và NĐT.
Ở quy mô nhỏ và hoạt động còn đơn giản (mới chỉ có sản phẩm cơ sở là trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ), TTCK Việt Nam khó cạnh tranh thu hút vốn với các TTCK quốc tế. Đây là lý do nhà quản lý tính đến việc hợp nhất 2 Sở GDCK trong tương lai.