Năm 2015, song hành cơ hội và rủi ro

(ĐTCK) Năm 2015, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là từ 13 -15% so với năm 2014, các ngân hàng đã đưa ra những mục tiêu tăng trưởng tín dụng của riêng mình nhằm đạt chỉ tiêu mà HĐQT, ĐHCĐ 2015 đề ra khi thị trường có thêm yếu tố tích cực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các ngân hàng đó là rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn, đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng.
Hiện VietBank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân là 8-8,5%/năm, trung - dài hạn khoảng 9-9,5%/năm Hiện VietBank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân là 8-8,5%/năm, trung - dài hạn khoảng 9-9,5%/năm

Thêm yếu tố hỗ trợ

Năm 2015 là quãng thời gian có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), bởi lẽ đây là năm cuối để các TCTD triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015” theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015” ban hành kèm theo Quyết định số 734/QĐ-NHNN. Chính vì vậy, năm 2015, thị trường tiền tệ nói chung và hoạt động của các ngân hàng nói riêng có nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức.

Cụ thể, về những thuận lợi, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN tiếp tục theo hướng chủ động và linh hoạt; các chỉ tiêu cơ bản trong điều hành chỉnh sách tiền tệ ổn định theo hướng tăng (tổng phương tiện thanh toán tăng 16 - 18%; tín dụng tăng 13 - 15% nhưng được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với kinh tế vĩ mô; kiểm soát nợ xấu dưới 3%...).

Các chính sách pháp luật mới có hiệu lực và tác động đến hoạt động của các ngân hàng như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi; Thông tư 02/2013/TT-NHNN; Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Đồng thời, năm 2015, NHNN dự kiến bước đầu hoàn thiện việc sắp xếp lại hoạt động của các TCTD. Các TCTD cũng phải chủ động tự cơ cấu, chấn chỉnh hoạt động hoặc sáp nhập với các TCTD khác để tăng cường tiềm lực tài chính và củng cố hoạt động.

Thêm vào đó, năm 2015, giá xăng dầu trên thế giới và trong nước ở mức thấp, dự báo lạm phát được kiểm soát phù hợp. Vì vậy, dự báo lãi suất năm 2015 có thể giảm thêm nhưng không nhiều; tỷ giá năm 2015 được dự báo ổn định, biên độ tỷ giá điều chỉnh theo mục tiêu của NHNN là khoảng +/-2%.

Đối với hoạt động cốt lõi của ngân hàng là tín dụng, mặt bằng lãi suất dần ổn định và nhu cầu vốn của khách hàng tăng trở lại sẽ là điều kiện tốt để tăng trưởng tín dụng. Tình hình hoạt động tín dụng trong quý đầu năm nay có phần cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phải kể đến phân khúc khách hàng mua nhà, vay tiêu dùng nhỏ lẻ.

Cũng chính từ phân khúc này sẽ thúc đẩy được hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN, trong đó có các DN ngành bất động sản. Khi thị trường bất động sản sôi động thì ngân hàng cũng có điều kiện xử lý nợ xấu liên quan bất động sản, kích hoạt dòng chảy tín dụng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn ngân hàng để phát triển sản xuất - kinh doanh trở lại… Với các điều kiện thị trường và tín dụng như vậy, các DN sản xuất - kinh doanh cũng bắt đầu mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank

Tăng trưởng tín dụng

Năm 2015, lãi suất được dự báo là có thể giảm thêm. Gần đây, các ngân hàng quy mô lớn trên thị trường đưa ra những gói sản phẩm tín dụng với mức lãi suất thấp. Đây là một thách thức đối với các ngân hàng nhỏ nói chung và VietBank nói riêng. Tuy nhiên, là một ngân hàng còn non trẻ, các chỉ số an toàn khá cao, quy mô tín dụng còn nhiều tiềm năng phát triển nên VietBank có điều kiện để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay được xem là khá phù hợp, không chỉ với khách hàng DN, mà còn cả với khách hàng cá nhân. So với năm 2010 - 2011, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm gần phân nửa và ngân hàng đã rộng cửa hơn trong cho vay vốn. Vì thế, với những khách hàng có nhu cầu vốn trung, dài hạn cố định từ 3 - 5 năm, đây là thời điểm được xem là rất tốt để đi vay.

Tuy nhiên, tâm lý của nhiều khách hàng hiện nay vẫn còn do dự, kỳ vọng lãi suất còn giảm thêm. Nhưng thực tế, sau một thời gian mặt bằng lãi suất đã ổn định ở mức thấp, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 8 - 9%/năm, trung - dài hạn khoảng 9 - 10%/năm. Tại VietBank, Ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân là 8 - 8,5%/năm, trung - dài hạn khoảng 9 - 9,5%/năm. Đây được xem là mức lãi suất cho vay hợp lý hiện nay đối với người mua nhà trước các dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên.

Đối với các DN sản xuất - kinh doanh, sức cầu vốn của nhóm này vẫn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ, kể cả nội địa và xuất khẩu. Vì thế, việc phát triển tín dụng của VietBank năm nay sẽ không tập trung vào một hoặc một vài phân khúc khách hàng mà Ngân hàng sẽ phân tích, đánh giá, nắm bắt nhu cầu của từng đối tượng, nhóm khách hàng để thiết kế các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng, nhóm khách hàng: khách hàng cá nhân (mua nhà ở, tiêu dùng); DN xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh… với chính sách lãi suất phù hợp nhằm tăng trưởng dư nợ.

VietBank mở rộng, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết với các tổng công ty, DN để triển khai mô hình liên kết cho vay, cấp tín dụng đối với các đối tác, khách hàng của tổng công ty, DN tương tự như mô hình đang triển khai với Vinafood 2 (tháng 12/2014, VietBank đã ký hợp đồng hợp tác với Vinafood 2 triển khai cho vay đối với các đối tác trong chuỗi liên kết Vinafood 2)...

Kiểm soát chặt Rủi ro

Với lãi suất dự báo ổn định, các ngân hàng sẽ phân bổ nguồn vốn tín dụng một cách hợp lý để tăng trưởng tín dụng một cách tối ưu. Do đó, cơ hội cho tín dụng phân tán, nhỏ lẻ cũng là một trong những hướng mà các ngân hàng định hướng cho hoạt động tín dụng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi các ngân hàng vừa cạnh tranh để đạt quy mô tín dụng, vừa thận trọng trong phân tán danh mục tín dụng để hạn chế rủi ro tín dụng cũng như nợ xấu.

Hoạt động ngân hàng năm 2015 được đánh giá sẽ có những thuận lợi hơn so với năm 2014, song nợ xấu vẫn tiềm ẩn, đồng thời các quy định về trích lập dự phòng rủi ro ngày càng chặt chẽ. Trong khi đó, biên độ lãi suất trong hoạt động tín dụng ngày càng thu hẹp nên chất lượng tín dụng luôn được kiểm soát chặt.

Việc nhận biết rủi ro trong hoạt động tín dụng năm 2015 thuận lợi hơn so với năm trước. Nhưng kinh doanh ngân hàng là kinh doanh rủi ro nên việc nói dễ hay khó trong việc nhận diện rủi ro phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh và chiến lược quản trị rủi ro của mỗi ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng trong năm nay vẫn được đẩy mạnh, song vấn đề quan trọng hơn là kiểm soát được rủi ro chất lượng tín dụng. Do đó, dù luôn kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhưng ngân hàng luôn thận trọng đối với việc cấp tín dụng khi chưa kiểm soát được rủi ro. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa, vì quá lo ngại rủi ro mà các ngân hàng lại “co cụm” trong việc phát triển hoạt động cho vay.

Trong điều kiện hiện nay, cơ sở pháp lý và thực tiễn giúp việc nhận diện rủi ro thuận lợi hơn. Vấn đề là ngân hàng kiểm soát rủi ro như thế nào để bảo đảm phát triển tín dụng một cách an toàn. Vì vậy, muốn hạn chế rủi ro, ngân hàng phải lựa chọn lĩnh vực hoạt động mà bản thân ngân hàng có thể kiểm soát được rủi ro để phát triển tín dụng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phải đưa ra những biện pháp cụ thể để xử lý rủi ro tín dụng nếu có phát sinh.

Tại VietBank, việc quản lý rủi ro tín dụng không chỉ nằm ở việc định hướng các đối tượng khách hàng, sản phẩm tín dụng, mà còn thể hiện ở việc triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền, ban hành các quy định nội bộ trong hoạt động tín dụng như: công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng; tăng cường hoạt động tái thẩm định của bộ phận thẩm định tín dụng tại Hội sở; tách bạch giữa hoạt động thẩm định tín dụng và phê duyệt tín dụng; giữa thẩm định tín dụng và thẩm định tài sản bảo đảm; tăng cường kiểm soát trước, trong và sau giải ngân; việc giải ngân tín dụng chỉ được thực hiện sau khi đã được kiểm soát của bộ phận kiểm soát độc lập tại Hội sở về việc đáp ứng các điều kiện cấp tín dụng; tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát sau cho vay của đơn vị kinh doanh cũng như kiểm toán nội bộ.

Đồng thời, Ngân hàng đã có những định hướng nhất định trong hoạt động kinh doanh để đạt kế hoạch năm 2015 như: giảm dần sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng thông qua việc tăng doanh thu từ các hoạt động dịch vụ; nâng cao chất lượng tài sản có; thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro tín dụng phù hợp kết hợp với xử lý nợ xấu để kiểm soát các chi phí từ việc trích dự phòng rủi ro trong hoạt động.

Việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ đi đôi với quản lý rủi ro chặt chẽ để giảm thiểu các khoản chi dự phòng rủi ro, hạn chế nợ xấu phát sinh là hướng đi hợp lý trong bối cảnh thị trường năm nay.

Nguyễn Thanh Nhung
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục