Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII diễn ra trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2013 nhiều trắc trở đối với nền kinh tế. Bên cạnh việc bàn thảo và thông qua những sắc luật quan trọng như Hiến pháp 1992 sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi…, những kết quả và nút thắt sau gần 1 năm triển khai Đề án tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề thu hút sự chú ý của các đại biểu và toàn xã hội.
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, Chính phủ thực hiện ước đạt và vượt kế hoạch 11 chỉ tiêu, hai chỉ tiêu xấp xỉ đạt và hai chỉ tiêu không đạt.
Trong đó, hai chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP (đạt 29% so với kế hoạch 30%) và tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP (5,3% so với kế hoạch 4,8%). Hai chỉ tiêu xấp xỉ đạt là tăng trưởng GDP (đạt 5,4% so với kế hoạch 5,5%) và tạo việc làm (tạo được 1,54 triệu việc làm so với kế hoạch 1,6 triệu).
Theo báo cáo của Thủ tướng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn do hệ lụy của suy thoái, khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô là một điểm sáng quan trọng. Đồng thời, với việc triển khai Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đã tốt dần lên sau từng quý của năm 2013.
Với mục tiêu tổng quát tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012, các chính sách kinh tế vĩ mô về tài chính, tiền tệ, đầu tư đã phát huy tác dụng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012 và dự kiến năm 2013 sẽ kiểm soát ở mức khoảng 7%.
Về tiền tệ tín dụng, tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng trưởng phù hợp với mục tiêu ổn định vĩ mô. Lãi suất huy động và cho vay giảm hẳn, tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, hiện đạt 12 tuần nhập khẩu, tình trạng đô la hóa, vàng hóa giảm đáng kể.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, những tồn tại, nút thắt của nền kinh tế còn lớn. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, nhưng chưa thật vững chắc. Cân đối thu chi ngân sách khó khăn. Những nguy cơ rủi ro trong hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn, xử lý nợ xấu chậm.
Bên cạnh đó, sản xuất - kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, DN khó tiếp cận vốn, sức mua chậm phục hồi. Số DN giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Khu vực công nghiệp tăng trưởng chậm lại. Thị trường bất động sản chưa có khả năng phục hồi trong ngắn hạn, tác động tiêu cực đến các ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Sản xuất, xuất khẩu nông sản khó khăn do nhu cầu và giá trên thị trường thế giới giảm mạnh.
Việc thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gặp nhiều khó khăn, còn chậm so với yêu cầu. Trong lĩnh vực đầu tư công, do trước đây phê duyệt nhiều dự án vượt quá khả năng cân đối vốn nên tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản ở các địa phương hầu như chưa giải quyết được.
Năm 2014, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tập trung gỡ khó cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế... Riêng nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ có giải pháp tăng tổng cầu, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Ngoài ra, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về thuế, hải quan, đất đai, thành lập, giải thể DN tạo thuận lợi và giảm chi phí cho sản xuất - kinh doanh. Mục tiêu Chính phủ đặt ra năm 2014 là giữ lạm phát ở mức 7% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 5,8%.
“Năm 2014, mục tiêu GDP 5,8% là khả thi”
TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Tôi cho rằng, năm 2014, mục tiêu lạm phát 7% và GDP 5,8% là khả thi và hợp lý. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, có nhiều ý kiến khác nhau. Có chuyên gia cho rằng, mục tiêu GDP 5,8% là quá tham vọng, sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định vĩ mô.
Có thể nói, ổn định vĩ mô là thành tựu quan trọng nhất của chúng ta trong mấy năm qua. Chính nó đã tạo sức hút nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, tạo nền tảng để phát triển. Tuy nhiên, chính mức tăng trưởng ở mức độ nhất định 5,7 - 5,8% là hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô về lâu dài. Với mức tăng trưởng như vậy, các DN mới có điều kiện mở rộng, duy trì sản xuất. Nếu GDP thấp hơn sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước, công ăn việc làm, an sinh xã hội.
‘Giải pháp đã có, vấn đề là triển khai’
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình)
Những tồn tại từ năm 2013 và năm trước để lại cho năm 2014 là rất lớn và dai dẳng, lớn nhất là vấn đề sản xuất - kinh doanh co cụm, hướng ra chưa được củng cố. Ngoài ra, yêu cầu phát triển bền vững mới ở giai đoạn triển khai và kết quả mới là bước đầu. Đó là những ẩn số cho khả năng hồi phục đà tăng trưởng năm 2014. Đây cũng sẽ là nhân tố khiến kế hoạch 5 năm khó hoàn thành.
Theo con số báo cáo, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều DN bắt đầu có dấu hiệu phục hồi khi lượng DN thành lập mới và tái hoạt động tăng lên. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều DN đang ở tình trạng kinh doanh khó khăn, chưa có hướng đi mới. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng các cấp thừa hành cần cụ thể hóa chính sách, địa chỉ cụ thể, liều lượng cụ thể, những sự phối hợp cụ thể, mới có thể có kết quả.
>> Trình Quốc hội phát hành thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu >> Ủy ban Tài chính ngân sách ủng hộ tăng bội chi lên 5,3% GDP >> 223 văn bản của các bộ ban hành có dấu hiệu sai luật >> Tham nhũng nghiêm trọng cả trong cơ quan tư pháp >> Vẫn cho phép thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội
>>Nhiều dự luật quan trọng sắp được thông qua