Năm 2014, kinh tế Mỹ sẽ đột phá?

(ĐTCK) Khi ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt trong năm nay đã đi qua, nền kinh tế Mỹ có thể sẵn sàng cho một năm bùng nổ với tăng trưởng hàng năm lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua.
Chi tiêu tiêu dùng chiếm đến 70% của nền kinh tế Mỹ Chi tiêu tiêu dùng chiếm đến 70% của nền kinh tế Mỹ

Sự kết hợp giữa thị trường công việc đang dần cải thiện, nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén, ít lực kéo hơn từ chính sách của Chính phủ và một triển vọng toàn cầu sáng sủa hơn đang thúc đẩy sự lạc quan cho nền kinh tế Mỹ trong thời gian còn lại của năm 2014.

Nhiều nhà phân tích dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ ở mức 3% trong năm nay. Kể từ năm 2005 với mức tăng trưởng 3,5%, trước khi cuộc đại suy thoái bắt đầu, đây sẽ là mức tăng trưởng cao nhất.

Sự lạc quan này bắt nguồn từ công bố của Chính phủ trong ngày thứ Năm tuần trước rằng, chi tiêu tiêu dùng đang tăng nhanh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Các con số thống kê đã chỉ ra động lực cho nền kinh tế bước vào năm 2014 từ người tiêu dùng, với chi tiêu tiêu dùng chiếm đến 70% của nền kinh tế nước này.

Một số nhà phân tích từng cảnh báo rằng, thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông năm ngoái sẽ làm suy giảm chi tiêu trong quý I năm nay. Họ còn cho rằng, tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại ở tốc độ hàng năm ở mức 2% trong quý này. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển chậm do sự suy giảm chi tiêu trong quý I cho thể mở đường cho sự phục hồi vững chắc trở lại từ quý II trở đi. Nhiều người cho rằng, tăng trưởng sẽ đủ nhanh trong phần còn lại của năm để nền kinh tế có thể kết thúc năm với mức tăng trưởng ít nhất 3%.

“Chúng tôi cho rằng, một khi thời tiết quay trở lại bình thường, người ta sẽ chứng kiến nhu cầu chi tiêu bị dồn nén sẽ được giải tỏa trong nền kinh tế”, Gus Faucher, nhà kinh tế cao cấp tại PNC Financial Services cho biết.

Mọi người sẽ mua sắm xe cộ, nhà cửa và giải quyết nhu cầu mua sắm đã phải kìm lại trong mùa đông vừa qua, ông này nói thêm.

Trước đó, các nhà kinh tế lo ngại rằng, sự phục hồi dường như còn rất xa xôi, bởi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức rất cao. Tuy nhiên, ở thời điểm này, người ta tin rằng sự cải thiện trong chi tiêu sẽ hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng.

Hiệp hội Quốc gia về kinh doanh dự đoán rằng, nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức 3,1% trong năm nay, cao hơn mức tăng mờ nhạt 1,9% trong năm 2013.

Nếu dự báo này chính xác, năm 2014 sẽ trở thành năm tăng trưởng kinh tế mạnh nhất, kể từ năm 2005. Kể từ khi cuộc Đại suy thoái kết thúc vào tháng 6/2009, tăng trưởng hàng năm chỉ ở mức trung bình yếu 2,2% trong vòng 4 năm qua.

Trong thời gian đó, nền kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi một loạt biến cố, từ sóng thần ở Nhật Bản, khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã gây tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu của nước Mỹ; đến cuộc chiến về ngân sách tại nước này đã thúc đẩy sự không chắc chắn đối với chi tiêu chính phủ và các chính sách thuế.

Tăng thuế và cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ có hiệu lực vào năm 2013 ước tính đã làm giảm 1,5 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế năm ngoái.

Với việc Quốc hội đã đạt được thỏa thuận về ngân sách và một thỏa thuận để nâng giới hạn vay của Chính phủ, các công ty bây giờ đã có thể chắc chắn hơn về các chính sách tài chính Liên bang.

Triển vọng đang được cải thiện tại các nền kinh tế nước ngoài cũng hỗ trợ nền kinh tế Mỹ. Các nền kinh tế ở châu Âu đang dần cải thiện sẽ thúc đẩy xuất khẩu của nước này.

Ngoài ra, thị trường việc làm Mỹ đang có những bước tiến vững chắc với việc Bộ Lao động tuần trước thông báo số lượng người xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước đạt mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm ngoái - một dấu hiệu đáng khích lệ rằng  công ăn việc làm đang gia tăng.

Trong tháng 2/2014, nước Mỹ đã tạo thêm 175.000 việc làm, cao hơn nhiều so với hai tháng trước đó. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 tăng lên 6,7% từ mức độ thấp trong vòng 5 năm qua là 6,6%, thì vẫn có lý do để lạc quan rằng: đã có nhiều người hơn lạc quan về triển vọng công việc của họ và bắt đầu tìm kiếm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tăng bởi lý do một số người không thể ngay lập tức tìm được việc làm.

Với nhiều người làm việc hơn, nhiều người tiêu dùng hơn sẽ khiến nhiều tiền hơn được chi tiêu và thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, có thể có những sự kiện bất ngờ xảy ra khiến các nhà phân tích nghĩ lại rằng họ đã quá lạc quan, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraina. Mặc dù tại thời điểm này, các nhà kinh tế kỳ vọng những mâu thuẫn với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina, hoặc sự cắt giảm chương trình kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không gây ra những bất ổn đối với thị trường toàn cầu hoặc làm chệch hướng sự phục hồi của kinh tế Mỹ.            

Hợp Trang(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục