Năm 2013 là tiền đề cho giai đoạn mới của TTCK

(ĐTCK) ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Tân, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) về TTCK năm 2013.
Ông Trần Thanh Tân. Ông Trần Thanh Tân.

Xin ông cho biết định hướng và chiến lược hoạt động của các quỹ do công ty VFM quản lý trong năm 2013?

Cuối năm 2011, Thông tư 183/2011/TT-BTC về quỹ mở có hiệu lực, hành lang pháp lý cho quỹ mở ra đời giúp các công ty quản lý quỹ nói chung và VFM nói riêng thấy hướng tháo gỡ một phần các khó khăn hiện nay của ngành công nghiệp quản lý quỹ. Quỹ mở ra đời sẽ khắc phục những điểm yếu cố hữu của quỹ đóng như tỷ lệ chiết khấu cao, thanh khoản thấp. Bên cạnh đó, việc gọi vốn thành lập các quỹ mở cũng phù hợp với nhu cầu thị trường. Tại VFM, cuối năm 2012, VFA đã đệ trình và được đại hội thông qua phương án chuyển đổi từ quỹ đóng sang quỹ mở. Hiện tại, giao dịch của quỹ được cải thiện rõ rệt, khoảng cách chiết khấu giữa NAV và giá giao dịch được thu hẹp. Với những thành công ban đầu đó, chúng tôi hy vọng việc chuyển đổi các sản phẩm quỹ đóng sang quỹ mở sẽ suôn sẻ. Với Quỹ đầu tư VF1, VFM đã tái cơ cấu danh mục hợp lý và chúng tôi tin tưởng với những dấu hiệu phục hồi tích cực từ thị trường gần đây,tài sản của quỹ trong thời gian tới sẽ tăng trưởng tốt.

 

Sau khi VFM rút hồ sơ thành lập quỹ mở VFMI30, dự kiến khi nào VFM tái khởi động việc huy động vốn cho quỹ mở?

VFM là một trong những đơn vị tiên phong nộp hồ sơ lên UBCK đề nghị cho phép thành lập Quỹ đầu tư chỉ số VN30. Tuy nhiên, vì đây là hồ sơ sản phẩm quỹ mở đầu tiên, nên VFM rất cẩn trọng trong việc lựa chọn thời điểm ra đời. Giữa năm 2012,  thị trường trầm lắng chưa thật sự phù hợp với sản phẩm này. Tuy nhiên, với dấu hiệu tích cực của thị trường trong thời gian gần đây, VFM hy vọng sản phẩm VFMI30 sẽ sớm được giới thiệu tới nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi đang chuẩn bị cho việc triển khai các quỹ mở khác như Quỹ trái phiếu, Quỹ ETF, Quỹ hỗ trợ nhân sự…, dự kiến sẽ giới thiệu ra thị trường trong Quý I/2013.

 

Ông dự báo thế nào về triển vọng TTCK năm 2013?

Theo bộ phận phân tích của VFM, năm 2013 sẽ là năm mang tính quyết định đối với việc hình thành chu kỳ phát triển mới của nền kinh tế.  Cơ sở nhận định này xuất phát từ các chỉ số lạm phát, kiều hối, đầu tư nước ngoài hiện tương đối lạc quan. Các số liệu liên quan tới khu vực sản xuất đã cho thấy có sự tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, các số liệu về thâm hụt ngân sách, dự trữ ngoại hối, tăng trưởng tín dụng đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu đã được đặt ra.

Tuy nhiên, những thành quả đạt hiện nay mới chỉ là những bước đầu. Để đạt được sự ổn định trong dài hạn, cần có các nỗ lực hơn nữa từ mọi phía, đặc biệt trong vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng. VFM nhận thấy các dấu hiệu tốt đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của một chu kỳ khó khăn và sau đó có thể có các bước phục hồi đáng kể trong năm 2014 khi các vấn đề nghiêm trọng được giải quyết trong năm nay. Với các nỗ lực từ Chính phủ và các DN, chúng tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, các vấn đề đang tồn tại sẽ được giải quyết. Nếu thực hiện được, năm 2013 sẽ là tiền đề cho chúng ta bước vào một giai đoạn phát triển mới.

 

TTCK có giao dịch khá sôi động trong nhiều phiên gần đây, liệu có thể kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng lạc quan trong dài hạn của TTCK không, thưa ông?

TTCK Việt Nam đã có sự phục hồi ấn tượng từ cuối năm 2012, đầu năm 2013. Theo tôi, điều này có lý khi một loạt chính sách kích thích kinh tế và TTCK, giải quyết nợ xấu khối ngân hàng đã có giải pháp, đem đến kỳ vọng mới mẻ cho giới đầu tư. Bên cạnh đó, hơn 50% số cổ phiếu niêm yết hiện nay thấp hơn mệnh giá, trong khi nhiều DN vẫn làm ăn có lãi có thể trả cổ tức, điều này cho thấy, không hoàn toàn tất cả nhưng một phần của TTCK vẫn đang bị định giá khá rẻ. Mức hấp dẫn này chính là động lực để khối NĐT nước ngoài tham gia mạnh mẽ vào thị trường, nhân tố ngoại đáng chú ý vì họ ít khi bị chi phối bởi các yếu tố cảm tính, mà hành động dựa trên phân tích và kỷ luật.

Hiện nay, nếu nhìn vào kinh tế vĩ mô, Việt Nam hiện chưa có nhiều lý do để lạc quan như sự phục hồi ngoạn mục của TTCK. Theo tôi, điều này là bình thường vì TTCK hoạt động dựa trên kỳ vọng nên thường có diễn biến sớm hơn nền kinh tế thực khoảng 6 tháng. Xu thế của TTCK trong 6 tháng đầu năm 2013 sẽ thử (test) kỳ vọng của giới đầu tư về sự phục hồi thực sự của kinh tế Việt Nam và DN sau khi đã có “đơn thuốc”.  Cá nhân tôi cho rằng, có nhiều cơ sở để kỳ vọng vào sự phục hồi của TTCK.

Giang Thanh thực hiện.
Giang Thanh thực hiện.

Tin cùng chuyên mục