Bài học từ các sự vụ này khiến nhiều DN đang phải tập trung siết chặt quản lý, lấp lỗ hổng quản trị, nhưng các sai sót của thời kỳ tăng trưởng nóng trước đó vẫn liên tục bùng phát và hậu quả là không ít chủ thể đã phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc hình sự trong năm này.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico cho rằng, nhiều DN đang đối mặt với các rủi ro về pháp lý là do từng có thời kỳ quá ham tăng trưởng, buông lỏng kiểm soát. Trong khoảng 10 năm, quy mô ngành ngân hàng tăng vài trăm lần, cả về vốn và mạng lưới, nhưng tốc độ đào tạo con người không theo kịp. Ngân hàng sinh ra để kinh doanh rủi ro: tìm kiếm rủi ro, quản trị rủi ro, dùng rủi ro để sinh ra lợi nhuận. Khi rủi ro trở thành hiện thực, phát sinh hậu quả mà không được quản trị thì đương nhiên liên lụy đến nhiều người: ngân hàng, khách hàng, nhân sự thực thi và cả xã hội. Còn với nhóm CTCK, cơ quan quản lý đã từng có thời kỳ không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, khung pháp lý chưa được hoàn thiện, dẫn đến các CTCK dấn thân vào cả dịch vụ tín dụng, thị trường tài chính và thị trường vốn không còn ranh giới, nhiều CTCK mất vốn không phải từ đầu cơ, mà từ rủi ro tín dụng. Nhiều sự vụ lừa đảo cũng xuất phát từ việc quản trị yếu ớt tại một số DN.
Về phía khách hàng, có những DN đã từng là khách “VIP” mà ngân hàng tranh giành nhau, đưa ra điều kiện ưu đãi hết mức để giữ chân. Tuy nhiên, nhiều người trong số này sau đó trở thành “tội đồ”, dù động cơ lúc đầu của họ chỉ là quá ham trăng trưởng trong một nền kinh tế mà chính sách vĩ mô cũng theo đuổi tăng trưởng.
Sự phát triển nóng vội, phá rào khung quản lý, mà xuất phát từ việc DN nôn nóng, còn cơ quan quản lý không theo kịp thực tế…, nay đã và đang bộc lộ những hệ lụy trên thị trường. Chính việc quản lý theo mục tăng trưởng và xem nhẹ hoặc chưa ý thức tốt về công tác quản trị rủi ro, nên khi gặp rủi ro từ vĩ mô, nhiều người đã phải hứng chịu trách nhiệm rất nặng. Nếu cứ chiểu theo các quy định pháp luật hình sự hiện nay thì rất nhiều trọng án.
Nếu nói năm 2012 là năm quá nhiều rủi ro trong quản trị DN bị bộc lộ, thì ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là thời điểm để DN nhìn lại để điều chỉnh hướng đi trên con đường sắp tới. “Không chỉ khối CTCK, thực tiễn đòi hỏi ngân hàng phải chấn chỉnh theo công nghệ quản trị của các nước tiên tiến, đồng thời, cần được điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam , trong đó có đặc thù của rủi ro pháp lý”, luật sư Trần Minh Hải nói.
Bất cứ DN nào, trong hoạt động kinh doanh đều phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kinh doanh, rủi ro hoạt động. Năm 2012, nổi lên một loại rủi ro khác, đó là rủi ro pháp lý. Khi DN không quản trị tốt loại rủi ro này và khi xảy ra thì hậu quả vô cùng nặng nề, do hậu quả của nó có thể vượt trên rủi ro kinh doanh. Để quản trị rủi ro pháp lý, lãnh đạo DN trước hết phải hiểu luật. Bên cạnh đó là kiến thức, kỹ năng quản trị rủi ro cũng cần được chú trọng hơn. Thống kê về số nhân sự điều hành, cấp quản lý trung gian vướng vào các vụ án hình sự là minh chứng cụ thể nhất cho cái “giá” của rủi ro pháp lý. Thúc đẩy sự tăng trưởng là nhiệm vụ, là động cơ của tất cả các DN, nhưng tăng trưởng phải bền vững và đúng luật, đó là một nhiệm vụ không đơn giản cho người điều hành.
Nhiều sự vụ pháp lý xảy ra năm 2012 còn cho thấy, cơ chế tách bạch trách nhiệm trong DN hiện nay rất không rõ ràng. Tại nhiều sự vụ, có sự đổ thừa trách nhiệm, mà người chịu thiệt hại cuối cùng là những người “thấp cổ bé họng”. Hiện trạng ngành ngân hàng chưa có cơ chế nào để phân tách trách nhiệm của từng chức danh đang khiến trong nhiều sự vụ, người đứng trước vành móng ngựa thực chất chỉ là nạn nhân.