Năm 2011 nên đưa ngay chế tài bảo vệ cổ đông vào luật

Bảo vệ quyền lợi của cổ đông là một trong những mục tiêu quan trọng của pháp luật kinh doanh. Năm 2010 khép lại với việc nở rộ nhiều trường hợp vi phạm quyền cổ đông của DN, trong khi quy định thì có nhưng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên chưa phát huy được tác dụng.

Hiện UBCK mới chỉ giám sát và có chế tài điều chỉnh quan hệ của DN với cổ đông với đối tượng là công ty đại chúng, còn các công ty cổ phần còn lại thì vẫn chưa có quy định rõ ràng và vẫn đang chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Cũng vì thế, đối với công ty chưa đại chúng, pháp luật vẫn chưa quy định các biện pháp xử phạt hành chính trong các trường hợp vi phạm quyền lợi của cổ đông.

Theo quy định tại Thông tư 09/2010/TT-BTC thì công ty đại chúng phải công bố thông tin năm, nhưng nếu DN chưa đăng ký với UBCK (chứ không phải chưa đủ điều kiện vốn trên 10 tỷ đồng, trên 100 NĐT) thì DN chẳng chịu ràng buộc gì cả. Gọi điện cũng như trực tiếp đến gặp DN để hỏi về kết quả kinh doanh năm không được, cổ đông chỉ biết còn trông chờ vào ngày tổ chức ĐHCĐ thường niên để được biết thông tin về DN và chất vấn. Tuy nhiên, có DN cũng không tổ chức họp ĐHCĐ.

Thậm chí, khi cổ đông không nhận được giấy mời họp ĐHCĐ hoặc cổ đông nhận được giấy mời họp ĐHCĐ nhưng không tham dự được, công ty cũng không chuyển biên bản họp ĐHCĐ đến cổ đông.

Trong những trường hợp đó, cổ đông muốn kiện công ty cũng khó, bởi DN không phải là đối tượng bị xử phạt hành chính như theo quy định tại Thông tư 09.

Năm qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010, trong đó có nội dung quy định cổ đông sở hữu từ 1% cổ phần của DN có thể khởi kiện lãnh đạo DN. Tuy nhiên, giả sử nếu thắng kiện thì hình thức xử lý đối với lãnh đạo DN là thế nào?

Nói tóm lại, cơ chế bảo vệ quyền lợi cổ đông hiện đã có nhưng còn mờ nhạt, chưa đủ mạnh và không dễ thực thi. Mặt khác, quy định về công bố thông tin của các công ty đại chúng cũng như chế tài tương ứng còn thiếu và chưa rõ ràng.

Theo tôi, ngay trong năm 2011, các cơ quan chức năng nên bổ sung các hành vi vi phạm quyền lợi của cổ đông vào các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về chứng khoán, về đăng ký kinh doanh và lĩnh vực DN nói chung; đồng thời bổ sung vào các văn bản liên quan hướng dẫn cụ thể các trường hợp DN phải thực hiện nghĩa vụ đối với cổ đông và cổ đông có thể khởi kiện DN hoặc người quản lý DN.

Đức Thanh (Tôn Đức Thắng, Hà Nội)
Đức Thanh (Tôn Đức Thắng, Hà Nội)