Theo phóng viên tại Washington, chính phủ Mỹ ngày 2/9 xác nhận sẽ tiếp tục giữ nguyên mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt, sau khi nhận được yêu cầu từ hàng trăm công ty Mỹ.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), cơ quan này "đã nhận được vô số yêu cầu" đến từ hơn 350 công ty Mỹ đòi giữ nguyên mức thuế này.
Tuyên bố của USTR nêu rõ: “Do tiếp tục nhận được các yêu cầu, nên các hành động thuế quan vẫn chưa bị bãi bỏ và USTR sẽ tiến hành xem xét các hành động thuế quan.”
Tuyên bố lưu ý rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể thực hiện các thay đổi và quyết định cuối cùng sẽ đánh giá "tác động của những hành động đó đối với nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả người tiêu dùng".
Tổng thống Joe Biden đã cân nhắc liệu có nên dỡ bỏ một số loại thuế quan của người tiền nhiệm cũng như cách thức tiến hành, trong bối cảnh chịu áp lực phải đưa ra một số biện pháp kiềm chế lạm phát đang tăng cao.
Tuy nhiên, nhóm của ông đã bị chia rẽ với việc Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thúc đẩy việc giữ nguyên các mức thuế trừng phạt, trong khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen lập luận rằng một số loại thuế "không phục vụ mục đích chiến lược" và việc điều chỉnh lại có thể giúp làm giảm lạm phát, vốn đã lên mức cao nhất trong 40 năm qua và bóp nghẹt các hộ gia đình ở Mỹ.
Tổng thống Donald Trump khi đương chức đã áp thuế đối với khoảng 350 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc để trả đũa việc Bắc Kinh vi phạm quyền tài sản trí tuệ của Mỹ và buộc các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ.
Sau 4 năm áp dụng, các mức thuế trên có thể được bãi bỏ hôm 6/7 và 23/8 vừa qua, tương ứng với 2 vòng trừng phạt, nếu không có sự phản đối từ các công ty trong nước.
USTR khẳng định các mức thuế này vẫn có hiệu lực trong lúc cơ quan này tiếp tục tiếp thu ý kiến của các bên liên quan, nhưng không cung cấp chi tiết về thời gian hoặc tiêu chí.