Thủ tướng Abe tại lễ ký kết nhắc lại rằng, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong nền kinh tế Mỹ và bày tỏ hy vọng, các thỏa thuận mới sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Cũng theo quan chức cấp cao hai nước, thỏa thuận này đồng nghĩa với việc, sẽ không có thuế quan mới nào được áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu của hai bên nữa.
Các thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Nhật Bản cơ bản tập trung vào hai lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.
Phát biểu sau lễ ký kết, Tổng thống Trump cho biết, việc đạt thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước sẽ mở cửa thị trường Nhật Bản cho các mặt hàng nông sản Mỹ, giá trị ước tính khoảng 7 tỷ USD mỗi năm.
Theo thỏa thuận mới, Nhật Bản sẽ bắt đầu dỡ bỏ dần các hạn chế nhập khẩu đối với rượu vang của Mỹ trong vòng 5 - 7 năm. Dự kiến việc hủy bỏ mức thuế hiện tại lên tới 125 yên (khoảng 1,16 USD) mỗi lít, và sẽ giảm chi phí cho các nhà phân phối rượu vang Mỹ tại Nhật khoảng 13%.
Ngoài rượu vang, chính phủ Nhật Bản cũng dự định giảm thuế nhập khẩu đối với thịt bò Mỹ đến năm 2033 xuống còn 9% từ mức 38,5% hiện tại.
Vế phía Mỹ, Washington đồng ý sẽ giảm hoặc miễn thuế đối với một số mặt hàng công nghiệp từ Nhật Bản, bao gồm một số loại dụng cụ cơ khí, xe đạp, phụ tùng xe đạp và nhạc cụ. Mỹ cũng sẽ giảm thuế đối với một số mặt hàng nông nghiệp của Nhật Bản như trà, hoa tươi...
Nhật Bản và Mỹ bắt đầu đàm phán thương mại sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định không tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tập trung vào việc ký kết các thỏa thuận song phương.
Các điều kiện và số lượng xe hơi nhập khẩu từ Nhật Bản vào Mỹ đã đặc biệt gây ra sự bất mãn với Nhà lãnh đạo Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Washington vẫn quyết định hoãn việc áp thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu trong sáu tháng.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố rằng, ngay cả sau khi Mỹ và Nhật Bản ký kết thỏa thuận thương mại, thuế đối với ô tô sẽ vẫn có hiệu lực.