Hãng tin Reuters hôm thứ Sáu (27/9) dẫn nguồn tin thân cận cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét hủy bỏ niêm yết cổ phiếu của các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, dẫn đến sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Động thái này là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm kiềm chế dòng tiền đầu tư của Mỹ chảy vào các công ty Trung Quốc.
Thị trường ngay lập tức bị tác động. Cổ phiếu được niêm yết tại Mỹ của các công ty Trung Quốc bắt đầu giảm. Chẳng hạn, cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã giảm hơn 5%, 20 tỷ USD vốn hóa bốc hơi khỏi thị trường trong một ngày.
Mức giảm tương tự đã được ghi nhận ở cổ phiếu của các công ty nổi tiếng khác. Cổ phiếu JD.com đã giảm gần 6%, và cổ phiếu của Baidu thì sụt 3,67%.
Nhưng vấn đề thật sự ở đây không phải là hàng chục tỷ USD vốn hóa thị trường bị mất, mà là Mỹ đang có những kế hoạch "khủng khiếp" dành cho Trung Quốc trong trường hợp đàm phán thương mại không mang lại kết quả như ý muốn.
Cần phải nhấn mạnh rằng, kế hoạch của chính quyền Washington nếu thành sự thật sẽ là một cú đòn kép đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và toàn bộ nền kinh tế nước này khi tước đi cơ hội vay tiền của công ty Trung Quốc (thông qua phát hành trái phiếu) từ các nhà đầu tư Mỹ cũng như tăng vốn cổ phần (thông qua IPO hoặc phát hành thêm khi niêm yết) trên các sàn giao dịch chứng khoán.
Ngoài việc hủy bỏ niêm yết, theo các kế hoạch được tiết lộ, Washington còn muốn hạn chế các quỹ (đặc biệt là quỹ hưu trí) và các nhà đầu tư khác đầu tư vào các công ty Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, biện pháp triệt để như vậy được đưa ra có lẽ liên quan đến một vụ bê bối nghiêm trọng, vốn không được chú ý bởi các phương tiện truyền thông chính thống, nổ ra cách đây vài tuần, khi mà quỹ hưu trí nhà nước Mỹ chịu trách nhiệm trả lương hưu cho lực lượng quân đội và cựu chiến binh, hóa ra, đang đầu tư tiền của vào các công ty Trung Quốc. Hơn nữa, ít nhất ba trong số các công ty này đang chịu lệnh trừng phạt chính thức của Mỹ.
Nhiều khoản đầu tư thuộc loại này được liên kết với các chi tiết cụ thể về cấu trúc của thị trường tài chính hiện đại. Loại quỹ đầu tư phổ biến nhất là quỹ thụ động, không tự chọn công cụ để đầu tư mà chỉ đầu tư theo một danh mục được mô phỏng theo một bộ chỉ số trên thị trường.
Trên thế giới có một số công ty có uy tín, như MSCI, S&P Dow Jones Indices hay FTSE Russell… lập ra các danh mục, định hướng cho các quỹ đầu tư nắm giữ hàng nghìn tỷ USD. Và dựa trên cơ sở các tài liệu theo luật định riêng, các quỹ đầu tư ngay lập tức phải có nghĩa vụ mua cổ phiếu khi các nhà cung cấp chỉ số chứng khoán định hướng.
Do đó, ngay khi cổ phiếu hoặc trái phiếu của các công ty Trung Quốc trở nên hấp dẫn và thanh khoản, chúng được đưa vào các danh mục, và các quỹ đầu tư có nghĩa vụ phải mua chúng, điều này không thể không khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump tức giận.
Chính là để ngăn chặn cơ chế này mà chính thức Washington (theo báo cáo phương tiện truyền thông) đang tìm cách thắt chặt các quy định đối với danh mục đầu tư của Mỹ vào chứng khoán Trung Quốc.
Có vẻ như, chính quyền của ông Trump đã nắm được điểm yếu của Trung Quốc và “đòn đánh” sẽ vô cùng đau đớn đối với Bắc Kinh mà không có bất kỳ rủi ro đặc biệt nào đối với Washington. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng vì thiệt hại không bao giờ chỉ dành cho một phía.
Sau khi cơn hoảng loạn dịu đi một chút, các chuyên gia trên toàn thế giới đang tự hỏi, liệu Mỹ sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn Trung Quốc hay không nếu Washington thực sự cắt đứt mọi con đường dẫn các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo giới phân tích, động thái đối phó rõ ràng của Trung Quốc sẽ là phát hành trái phiếu bằng euro, franc hoặc nhân dân tệ, do đó, sẽ chỉ thúc đẩy quá trình "phi đô la" hóa hệ thống tài chính toàn cầu và tạo ra một cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu không còn phụ thuộc vào “sự thất thường” của Washington.
Có lẽ nhận thức được điều này, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định tuyên bố chính thức rằng, chưa có biện pháp triệt để nào được lên kế hoạch cho đến thời điểm này.