Mỹ-Trung tương tàn công nghệ, cơ hội thị trường cả trăm tỷ USD ló rạng

Chiến tranh công nghệ giữa hai siêu cường leo thang lại hóa hên cho doanh nghiệp Trung Quốc khi bắt tay nhau khai thác thị trường nội địa, bất kể là công nghệ “cùi bắp”.
Bị Mỹ "giằn mặt", nhưng Huawei lại hưởng lợi khi các hãng công nghệ Trung Quốc bắt tay sử dụng công nghệ xử lý của tập đoàn này. Ảnh: AFP

Thị trường 144 tỷ USD đang nhúc nhích

Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc như China Telecom liên tiếp công bố kế hoạch mua sắm công để kích thích sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ “cây nhà lá vườn” hòng thay thế các thiết bị của những “gã khổng lồ” đến từ Mỹ như Intel, Microsoft, Oracle và IBM, theo hãng tin Reuters.

Chỉ số theo dõi “sức khỏe” cổ phiếu công nghệ thông tin Trung Quốc - CSIINT - đã tăng gần 30% từ đầu năm đến nay, gấp đôi mức tăng của rổ blue-chip CSI300.

“Chúng tôi thấy nhiều động thái của Mỹ đang nhằm vào Trung Quốc và tương lai sẽ hình thành xu hướng 1 thế giới, 2 hệ thống'”, Wu Kan, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Công ty chứng khoán Soochow Securities nêu quan điểm. Công ty của Wu Kan cũng đang đổ tiền vào nhiều doanh nghiệp công nghệ có tên tuổi của Trung Quốc, chẳng hạn Công ty Phần và Dịch vụ Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Công nghệ Greatwall Trung Quốc và hãng phần mềm văn phòng Kingsoft Bắc Kinh.

“Phân khúc thị trường nào đối mặt với nhiều rủi ro, đồng nghĩa cơ hội đầu tư rất lớn”, Wu Kan nói.

Một số nhà quan sát thị trường dự báo giá trị cổ phiếu công nghệ Trung Quốc sẽ tăng vọt khoảng 60 lần và các hãng công nghệ Trung Quốc có thể chỉ mất vài năm để “hóa rồng” và bắt kịp các đối thủ toàn cầu. Trái lại, chuyên gia Wu Kan tỏ quan điểm thận trọng hơn khi cho rằng, mức giá cổ phiếu công nghệ sẽ bị chi phối bởi tiềm năng tăng trưởng và sự hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ.

Chính quyền Washington gần đây rắn mặt đối với Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và quay sang trừng phạt các ứng dụng do doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu như TikTok và WeChat. Washington cũng tuyên bố triển khai sáng kiến “Mạng lưới sạch” để loại bỏ các hãng công nghệ Trung Quốc bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Jie Lu, Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của Công ty quản lý tài sản Robeco (Hà Lan) cho rằng, dưới áp lực của Mỹ, các nhà cung cấp Trung Quốc sẵn sàng quay đầu giành thị phần trong nước.

“Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp quan trọng như chất bán dẫn”, Jie Lu nói thêm.

Động thái này sẽ mở ra cơ hội thị trường 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 144,46 tỷ USD) cho các nhà cung ứng nội địa, theo Công ty chứng khoán Dongxing Securities.

Đối trọng Kunpeng và “ảo tưởng” thay thế Intel

Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung leo thang vô hình trung lại tạo động lực cho Bắc Kinh tăng tốc nội địa hóa công nghệ.

Chính quyền các địa phương Trung Quốc gần đây rốt ráo xúc tiến thành lập nhiều liên minh công nghiệp để phổ biến sử dụng các công nghệ xử lý Kunpeng của tập đoàn Huawei.

Cái bắt tay gần đây trong làng công nghệ Trung Quốc là sự kiện một công ty con của China Unicom - nhà mạng viễn thông quốc doanh của Trung Quốc tại quận Vũ Xương, TP. Vũ Hán - tuần trước đạt được thỏa thuận hợp tác với Huanghe Technology - đơn vị chuyên sản xuất máy chủ và máy tính để bàn sử dụng công nghệ bộ vi xử lý (CPU) Kunpeng.

Trước đó, vào tháng 5/2020 hãng phân phối sản phẩm công nghệ thông tin Digital China tiết lộ công ty này đang xây dựng các nhà máy sản xuất máy tính để bàn và máy chủ sử dụng công nghệ CPU Kunpeng.

Cùng tháng 5, China Telecom tuyên bố sẽ mua sắm 56.314 máy chủ trong năm nay và 1/5 trong số máy chủ này sẽ sử dụng chip Kunpeng và Hygon Dhyana - hai đối thủ của thương hiệu Intel và AMD của Mỹ.

“Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy nhanh sản xuất sản phẩm công nghệ để tránh bị bóp nghẹt (bởi chiến tranh công nghê), ngay cả khi công nghệ của họ còn ‘cùi bắp’”, Zhang Chi, Chủ tịch Quỹ đầu tư mạo hiểm Xin Ding Capital nhấn mạnh trong buổi giới thiệu công nghệ thông tin của Haigon - hãng sản xuất chip máy tính Hygon Dhyana.

Khoảng 95% máy chủ tại Trung Quốc đang sử dụng CPU của Intel. Đây sẽ là một thảm họa, “nếu ngày nào đó, Tổng thống Trump cấm Intel bán CPU cho Trung Quốc”, Zhang Chi cảnh báo.

Zhang cũng chung hy vọng với nhiều nhà phân tích rằng các cơ quan công quyền của Trung Quốc sẽ thay thế tất cả các máy tính sử dụng chip của Mỹ trong 5 năm tới.

Trong động thái đáng chú ý khác, Công ty Phần mềm và Dịch vụ quốc gia Trung Quốc, đơn vị đang sản xuất hệ điều hành cạnh tranh trực tiếp với phần mềm Windows và các phần mềm trung gian cạnh tranh với IBM và Oracle của Mỹ, có biểu hiện “chơi lớn” khi đặt ra mục tiêu doanh thu năm nay tăng vọt 70% lên 10 tỷ nhân dân tệ.

Còn hãng phần mềm văn phòng Kingsoft Bắc Kinh tuần này cho biết lợi nhuận nửa đầu năm 2020 tăng sốc 143%, đồng thời dự báo nhu cầu bảo mật thông tin tăng cao ở Trung Quốc đang thúc đẩy doanh số bán hàng của hãng này.

Doanh nghiệp phần mềm khác là Tập đoàn Baolande Bắc Kinh thì xác định chính quyền địa phương và khách hàng trong lĩnh vực tài chính sẽ là động lực tăng trưởng mới cho tập đoàn này do nhu cầu thay thế sản phẩm công nghệ của các tệp khách hàng này sẽ tăng cao.

Tuy nhiên, ông Brian Bandsma, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Công ty quản lý tài sản Vontobel Asset Management (New York) lại băn khoăn về cơ hội thị trường công nghệ nội địa Trung Quốc bởi chuyên gia này cho rằng nhu cầu thay thế sản phẩm công nghệ tại Trung Quốc sẽ bị hạn chế vì dịch vụ và sản phẩm nội địa là kém cạnh tranh trong khi mức chấp nhận của thị trường có thể lâu hơn dự kiến.

Nói về sức mạnh cũng như sức cạnh tranh của công nghệ Mỹ, ông Bandsma cho rằng, những “đế chế” công nghệ như Microsoft đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và phát triển được những phần mềm rất phức tạp đang được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành/lĩnh vực. Đây là nền tảng quan trọng giúp Microsoft có được vị trí như ngày nay.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục