Mỹ lại sắp “cạn” hầu bao

(ĐTCK) Giới hạn nợ công của Mỹ hiện là 16,7 nghìn tỷ USD và được dự báo sẽ bị chạm đến vào 17/10 tới.
Mỹ lại sắp “cạn” hầu bao

Chính phủ Mỹ đang hết tiền nhanh hơn nhiều người nghĩ. Đó là cảnh báo được đưa ra từ Bộ Tài chính nước này hôm thứ Tư, làm tăng thêm sức nóng cho cuộc họp sắp tới của Quốc hội, trong đó có việc xem xét nâng trần nợ công.

Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ chỉ còn 30 tỷ USD tiền mặt cho đến ngày 17/10 tới. Trong khi đó, Ban Ngân sách của Quốc hội dự tính số tiền này sẽ được sử dụng hết trong thời gian từ 22/10 đến 31/10 nếu trần vay của Chính phủ không được nâng lên.

Số tiền ít ỏi đó là rất khó, nếu không muốn nói là không thể, để Chính phủ có thể thanh toán khoảng 55 tỷ USD cho các hoạt động an sinh xã hội, y tế và quân đội đến ngày 1/11. Song cho đến thời điểm này, các nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội vẫn còn cách xa nhau về quan điểm trong việc tránh cho Chính phủ khỏi bị dừng hoạt động.

Không giống như các “cuộc chiến” ngân sách trước đây, dường như không có cuộc họp kín nào ở lần này để thỏa thuận về một sự trì hoãn thời điểm mà Chủ tịch Fed Ben Bernanke gọi là “bờ vực tài chính”.

“Tôi nghĩ, chúng ta đang có cảm nhận sai về sự an toàn”, thượng nghị sỹ Mark Warner (đảng Dân chủ) nói trong một cuộc phỏng vấn. “Thời điểm này, các chủ nợ đã thực sự đứng ở cửa rồi”.

Sau bài phát biểu dài 21 tiếng đồng hồ của thượng nghị sỹ Ted Cruz chỉ trích đạo luật chăm sóc sức khỏe của Nhà Trắng, Thượng viện Hoa Kỳ đã đồng ý sẽ tiếp tục quá trình thương lượng dài ngày để bàn về việc tài trợ cho Chính phủ sau ngày 30/9, thời điểm kết thúc năm tài chính hiện tại.

Thượng viện được dự đoán sẽ thông qua một dự luật vào cuối tuần này, để cho phép cấp thêm tiền cho Chính phủ đến giữa tháng 11, nhưng cùng với đó sẽ là yêu cầu dừng xem xét đạo luật chăm sóc sức khỏe.

Phát biểu của các nghị sỹ Quốc hội như ở trên chỉ xoay quanh các biện pháp tài trợ ngắn hạn cho Chính phủ. Chúng che dấu một sự bất đồng sâu sắc hơn về hướng xử lý giới hạn nợ công 16,7 nghìn tỷ USD.

Theo luật pháp Mỹ, Chính phủ có thể đi vay để trang trải cho phần thâm hụt ngân sách, nhưng số dư nợ không được vượt quá giới hạn trên. Tuy nhiên, mức giới hạn này có thể được Quốc hội gia tăng. Trong trường hợp trần nợ không được nới rộng, hay nói cách khác là Chính phủ không thể vay thêm tiền để chi tiêu, thì như Bộ trưởng Tài chính Lew đã cảnh báo, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ “không thể thực hiện được các bổn phận của mình lần đầu tiên trong lịch sử”.

Nhà Trắng đã kêu gọi Quốc hội nên nâng trần nợ mà không đi kèm điều kiện nào hết. Nhưng đó chỉ là mong muốn một chiều. Chủ tịch Hạ viện John Boehner (đảng Dân chủ) cho rằng, chuyện không đơn giản như vậy và chắc chắn sẽ có một “cuộc tranh cãi rộng lớn” về vấn đề này. Thực tế, các nghị sỹ đảng Dân chủ đang xem xét một kế hoạch, trong đó, sẽ gắn một số điều kiện vào việc tăng trần nợ, chẳng hạn như thay đổi hay lùi lại đạo luật chăm sóc sức khỏe, đưa ra các đạo luật mới về chương trình chăm sóc sức khỏe người già và các chương trình trợ cấp khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan (đảng Dân chủ) cho biết, các nghị sỹ đảng Dân chủ đang hy vọng sẽ thuyết phục được Nhà Trắng chấp nhận giảm mức thâm hụt ngân sách. “Chúng tôi cần một hóa đơn nợ với con số ít hơn”, ông nói.

Cuộc chiến về trần nợ đến giờ phút này vẫn chưa bắt đầu, nhưng nó sẽ diễn ra thế nào là tùy thuộc một phần vào cách hay liệu Quốc hội có đồng ý tăng tài trợ cho Chính phủ hay không.

“Tôi hy vọng trọng tâm của cuộc chiến sẽ được đặt vào các vấn đề tài khóa dài hạn”, thượng nghị sỹ Bob Corker (đảng Cộng hòa) nói.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ không cho biết sẽ phản ứng thế nào nếu trần nợ không được nâng lên. Nhiều nhà đầu tư nói rằng, họ hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục thanh toán lãi cho các khoản nợ để tránh đổ vỡ nợ công. Nhưng theo Bộ Tài chính, thanh toán ưu tiên đó là gần như không thể, do sự phức tạp của chế độ tài chính liên bang. Nhà Trắng sẽ đối diện với các quyết định chính trị khó khăn, như việc có thanh toán tiền lãi cho các trái chủ trong khi giữ lại phần tiền chi cho an sinh xã hội hay không?

Theo ước tính của Trung tâm Chính sách của Quốc hội, một tổ chức lưỡng đảng, Chính phủ sẽ không thể thanh toán được 32% số tiền phải chi tiêu trong tháng đầu tiên nếu trần nợ không được nâng kịp thời.

Quốc hội Mỹ đã nâng hoặc treo trần nợ 5 lần trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, cùng với đó là lộ trình cắt giảm mức thâm hụt ngân sách của Chính phủ đến năm 2021.        


Quang Huy (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục