Mỹ không còn đòi Hàn Quốc chi 5 tỷ USD “phí bảo vệ”

(ĐTCK) Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn nguồn tin ngoại giao thân cận cho biết, Mỹ đã sửa đổi lập trường của mình trong các cuộc đàm phán về việc chia sẻ chi phí quân sự với Hàn Quốc, từ bỏ yêu cầu Seoul chi một khoản tiền cao gấp 5 lần so với những năm trước để duy trì binh sĩ và vũ khí Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Ảnh: Reuters. Ảnh: Reuters.

Theo Chosun Ilbo, “lập trường của hai bên đã xích lại gần nhau hơn" và hiện đang thảo luận về việc chỉ tăng nhẹ khoản chi phí mà Hàn Quốc phải trả để duy trì sự hiện diện quân đội Mỹ ở nước này.

Nguồn tin ngoại giao cũng lưu ý rằng, thỏa thuận cuối cùng giữa hai nước có thể được ký kết vào tháng 2/2020.

Chosun Ilbo tiết lộ, phía Mỹ đã nhận ra, yêu cầu chi trả thêm gần 5 tỷ USD phí hiện diện quân sự là "quá mức", và hiện tại, hai bên đang thảo luận sẽ tăng chỉ khoảng 10 - 20%, đồng thời Hàn Quốc sẽ tăng mua vũ khí từ Mỹ.

Trước đó, với việc Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Washington bắt đầu thay đổi quan điểm và muốn Seoul trả nhiều tiền hơn để có được sự bảo vệ an ninh từ quân đội Mỹ. Vì vậy, chi tiêu của Hàn Quốc cho quốc phòng chung giữa hai nước năm 2019 đã tăng thêm 8,2%, lên mức 915 triệu USD.

Không dừng lại ở đó, vào tháng 11, Washington yêu cầu Seoul tăng gấp 5 lần mức chi trả "phí bảo vệ" cho Mỹ, lên 4,7 tỷ USD. Các bên đã tổ chức nhiều vòng đàm phán về vấn đề này, nhưng tất cả đều kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Các điều kiện đóng quân của Mỹ được điều chỉnh bởi một thỏa thuận về hỗ trợ phòng thủ lẫn nhau ký kết vào ngày 26/1/1950.

Hiện tại, 28.500 lính Mỹ đang được triển khai ở phía nam Bán đảo Triều Tiên để đảm bảo an ninh cho khu vực này.

Quỳnh Lê
Theo TASS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục