Mặc dù tại hội nghị cấp cao G8 diễn ra ở Mỹ cuối tuần vừa qua, các nguyên thủ của 8 nước công nghiệp phát triển đều bày tỏ quyết tâm cao là sẽ cứu Hy Lạp, một thành viên của Liên minh châu Âu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tài chính.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay chưa ai có thể khẳng định chắc chắn rằng Hy Lạp sẽ ở lại khu vực đồng tiền chung Euro. Các chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng nếu Hy Lạp bị vỡ nợ thì chi phí vay vốn ở các nền kinh tế châu Âu khác đang gặp khó khăn như Italy và Tây Ban Nha sẽ tăng lên chóng mặt, hội chứng này có thể lây lan ra toàn bộ châu Âu và tình hình sẽ trở lên phức tạp hơn nhiều so với hiện nay.
Theo nhà kinh tế học của Mỹ Paul Ashworth, hiện chưa thể tính toán được những tác động của việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ nghiêm trọng như thế nào đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Việc một hai nước nhỏ như Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung Euro tưởng như không là vấn đề gì nghiêm trọng, tuy nhiên nó sẽ phá vỡ trật tự trong khu vực Euro, đồng thời sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Các chuyên gia tài chính cho rằng theo phản ứng dây chuyền, điều này rất có thể sẽ xảy ra với
Ngay cả Mỹ, việc Hy Lạp đứng trước nguy cơ vỡ nợ và khu vực châu Âu bị khủng hoảng tài chính đã đẩy nước này vào tình trạng phải đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng như nợ quốc gia bị ảnh hưởng, xuất khẩu giảm tốc độ và hàng loạt doanh nghiệp sẽ phát triển chậm lại. Cụ thể là:
Nguy cơ thứ nhất là nợ quốc gia của Mỹ bị ảnh hưởng: Các ngân hàng của Mỹ bị phơi nhiễm trước các khoản nợ quốc gia. Hiện Hy Lạp đang nợ Mỹ khoảng 6 tỷ USD, đây chỉ là một khoản nợ nhỏ, nhưng các nước khác trong khu vực châu Âu lại nợ Mỹ những khoản tiền lớn hơn nhiều. Trong đó, Tây Ban Nha và Airlen mỗi nước đều nợ hơn 50 tỷ USD, Italy nợ trên 40 tỷ và Bồ Đào Nha nợ Mỹ gần 6 tỷ USD.
Tính sơ qua có thể thấy các nước châu Âu hiện đang nợ Mỹ lên tới hàng trăm tỷ USD.
Khi tính toán đến chính sách hậu khủng hoảng tài chính, Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ, ông Ben Bernanke cho rằng sẽ là ra sai lầm lớn nhất trong lịch sử nếu ông đánh giá thấp những ảnh hưởng của khủng hoảng Hy Lạp lên kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu.
Nguy cơ thứ hai đối với Mỹ đó là xuất khẩu của nước này sẽ bị giảm sút. 17 nước sử dụng đồng tiền chung Euro hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 đối với hàng hóa của Mỹ. Chỉ riêng quí 1 năm nay trị giá hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào khu vực này đã đạt trị giá gần 50 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ. Nhập khẩu của khu vực châu Âu chỉ sau các nước Mexico và Canada nhưng nhiều hơn cả Trung Quốc và Nhật Bản cộng lại. Nếu Hy Lạp cũng như một số nước bị khủng hoảng tài chính mà rời khu vực sử dụng đồng Euro trong thời gian tới thì xuất khẩu của Mỹ vào châu Âu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguy cơ thứ ba là các doanh nghiệp Mỹ sẽ phát triển chậm lại: Hiện rất nhiều hàng hóa của Mỹ do các công ty nước này bán tại châu Âu được sản xuất ở chính khu vực này. Trên thực tế, các công ty đa quốc gia của Mỹ từ các hãng sản xuất ô tô nổi tiếng General Motors (GM), Ford Motor đến các công ty sản xuất thức ăn từ ngũ cốc hay các công ty sản xuất linh kiện đồng hồ đã bị ảnh hưởng đáng kể. Hồi đầu tháng 5, cổ phiếu của các công ty này đã bị trượt dốc 40% chỉ trong 1 ngày, sau khi có báo cáo doanh thu bán hàng ở châu Âu bị giảm sút.
Nếu trị giá đồng Euro của châu Âu tiếp tục giảm so với đồng đô la Mỹ, thì hàng hóa Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn so với những hàng hóa được sản xuất ở châu Âu, chính vì thế sẽ làm giảm sút doanh số bán hàng của các doanh nghiệp Mỹ. Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ trên thế giới cũng sẽ bị giảm đi do các nước sẽ nhập hàng hóa từ châu Âu với giá rẻ hơn.
Bản báo cáo của Ngân hàng thế giới đầu năm nay nhận định thị trường xuất khẩu trên thế giới có thể bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu, và có thể sẽ tạo ra một sự suy thoái toàn cầu. Trên thực tế, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quí 1 năm nay chỉ đạt 2,2%, nếu thế giới xảy ra một cuộc suy thoái thì Mỹ cũng khó có thể thoát ra được vòng xoáy này./.