Mỹ, EU sẽ thành lập hội đồng thương mại và công nghệ chung

0:00 / 0:00
0:00
Mỹ và châu Âu dự kiến công bố một sáng kiến chung mới mang tên Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU vào ngày 15/6.
Lãnh đạo các nước G7 và khách mời tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở vùng Cornwall, Anh vào ngày 11/6. Ảnh: AFP Lãnh đạo các nước G7 và khách mời tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở vùng Cornwall, Anh vào ngày 11/6. Ảnh: AFP

Hội đồng Công nghệ và Thương mại mới Mỹ - EU là nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tận dụng sức mạnh kinh tế tổng hợp của Mỹ và châu Âu để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc.

Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU đề ra 3 mục tiêu bao trùm, gồm: thiết lập các tiêu chuẩn thương mại toàn cầu mới đối với các công nghệ mới nổi; thúc đẩy các giá trị dân chủ trên môi trường trực tuyến; và đề ra giải pháp để hai bên hợp tác trong hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Ngoài ra, 4 mục tiêu cụ thể khác cũng được đặt ra đối với hội đồng này, bao gồm: hợp nhất các tiêu chuẩn về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, và công nghệ sinh học; phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt hơn và ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc; theo đuổi các cải cách tại Tổ chức Thương mại Thế giới; điều tiết các nền tảng công nghệ.

Kết quả cuối cùng sẽ là "các nền dân chủ chứ không phải bất kỳ ai khác, không phải Trung Quốc hay các chế độ chuyên quyền khác, sẽ ấn định các quy tắc về thương mại và công nghệ cho thế kỷ XXI", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh tại một cuộc họp báo gần đây.

Về phía Mỹ, hội đồng sẽ do Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại sứ Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ đồng chủ tịch, một quan giấu tên của chính quyền Biden cho biết.

Theo đài CNBC, thập niên qua chứng kiến Trung Quốc đã rót những khoản đầu tư công quy mô lớn vào phát triển công nghệ. Kết quả là nền kinh tế số và mạng internet đang được kiểm soát bởi nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng kiểm duyệt cá nhân trở nên phổ biến, các website nước ngoài bị chặn ở Trung Quốc nếu từ chối kiểm duyệt các chủ đề nhạy cảm và các phần mềm của khu vực tư nhân có thể bị thu giữ để phục vụ lợi ích của nhà nước.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng quyết liệt không kém trong việc bảo vệ thị trường nội địa, đặc biệt là bằng cách yêu cầu các công ty nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc phải hợp tác với các công ty trong nước và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.

"Đối phó với các hành vi phi thị trường, lạm dụng kinh tế của Trung Quốc và nỗ lực định hình các quy tắc trên con đường phát triển công nghệ cho thế kỷ XXI sẽ là một phần quan trọng trong công việc của hội đồng này (Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU - BTV)", một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Cuối tuần trước, Tổng thống Biden và lãnh đạo các nước G7 còn lại đã công bố hình thành sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu mang tên "Xây dựng thế giới trở nên tốt đẹp hơn". Kế hoạch trị giá hàng tỷ USD này của G7 được xem là đối trọng với sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc.

Trong khi đó, một vấn đề cấp bách giữa EU và Mỹ là thuế nhôm và thép, lại không được kỳ vọng có kết quả trong các cuộc họp hai bên vào ngày 15/6.

Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng thuế trừng phạt đối với mặt hàng nhôm và thép của EU vào năm 2018, với lý do đảm bảo "an ninh quốc gia". Tuy nhiên, các quan chức châu Âu cho rằng động lực cho việc đánh thuế này là chủ nghĩa bảo hộ, mà không phải an ninh quốc gia.

Tổng thống Biden đã bật đèn xanh rằng ông sẵn sàng dỡ bỏ thuế quan đối với thép và nhôm của EU, và trong tháng 5 các nhà đàm phán thương mại hai bên đã khởi động các cuộc đàm phán với hy vọng có thể giải quyết vấn đề này vào cuối năm nay.

"Các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn đang diễn ra và tính xây dựng cao, nhưng sẽ mất một thời gian", một quan chức chính quyền Biden cho biết. "Vì vậy, tôi không kỳ vọng sẽ có kết quả về thuế quan trong tuần này", vị này nói thêm.

Sau các cuộc họp với EU vào ngày 15/6, Tổng thống Biden sẽ đến Geneva, nơi ông dự kiến tham gia một hội nghị thượng đỉnh rất được mong đợi với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/6.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục