Mỹ e ngại tình trạng phá sản doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất tăng nhanh đã làm gia tăng tỷ lệ phá sản doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn và các vụ phá sản được nhận định sẽ tiếp tục diễn ra.
Tình hình vỡ nợ và phá sản gia tăng là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái. Tình hình vỡ nợ và phá sản gia tăng là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái.

Lãi suất tại Mỹ trong năm 2022 tăng vọt từ 0 - 0,25%/năm lên 4,25 -4,5%/năm và tiếp tục tăng trong năm 2023, hiện ở mức 5,25 - 5,5%/năm (cao nhất trong 22 năm qua), khiến không ít ngành, lĩnh vực gặp khó khăn.

Nhiều công ty đang ngập trong nợ nần, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ duy trì lãi suất cao trong thời gian dài, thậm chí tăng thêm, cho tới khi lạm phát thực sự được khống chế. Nhiều nhà phân tích nhận định, Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25%/năm vào tháng 11 tới.

Các chuyên gia tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp cảnh báo, nhiều vụ phá sản có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt với những ngành phải chịu đựng môi trường lãi suất cao, dễ bị tổn thương và các khoản nợ gia tăng.

Thực tế, không ít thương hiệu nổi tiếng trong nhiều ngành nghề như Bed Bath & Beyond, Party City, Vice Media, Yellow Corp, SVB Financial…, đặc biệt là ngành bán lẻ, đã không thể chống chọi nổi trước thực tế kinh tế của nước Mỹ thời hậu đại dịch Covid-19.

Lĩnh vực bán lẻ ế ẩm khiến cuộc khủng hoảng bất động sản thương mại trở nên tồi tệ hơn, với khả năng ảnh hưởng xấu đến tài sản thế chấp ngày càng tăng. Trong khi đó, khủng hoảng nợ của Mỹ dẫn tới sự sụp đổ của một số ngân hàng vào đầu năm, cũng như khó khăn lan rộng của các ngân hàng cổ phần tư nhân có thể gây rắc rối cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và ngành chăm sóc sức khỏe.

Dữ liệu cho thấy, số lượng hồ sơ phá sản ở Mỹ tăng vọt trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, hồ sơ phá sản dành cho doanh nghiệp theo Chương 11, Luật Phá sản tăng 68%; hồ sơ phá sản dành cho cá nhân theo Chương 13 tăng 23%.

Theo S&P Global, 459 công ty đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tính đến cuối tháng 8, vượt số doanh nghiệp phá sản trong năm 2021 và 2022.

“Xu hướng này chỉ ra những thử thách kinh tế mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay, ảnh hưởng bởi lãi suất tăng, lạm phát và chi phí vay tăng cao, cùng một số vấn đề khác”, ông Gregg Morin, Phó chủ tịch Phát triển kinh doanh và doanh thu tại Epiq Bankruptcy nhận xét.

Bà Amy Quackenboss, Giám đốc điều hành Viện Phá sản Mỹ cho biết: “Trong năm qua, lạm phát gia tăng, lãi suất cao hơn và việc kết thúc các chương trình kích thích của Chính phủ đã gây căng thẳng đáng kể cho người tiêu dùng Mỹ”.

Hiện tại, nợ thẻ tín dụng của người tiêu dùng ở mức cao kỷ lục, các cá nhân và gia đình đang phải vật lộn để trả chi phí cho hàng hóa và dịch vụ gia đình cần thiết. Trong khi đó, hàng triệu người Mỹ sẽ nhận hóa đơn, yêu cầu thanh toán các khoản nợ sinh viên kể từ tháng 10 này, sau khi việc đình chỉ trả nợ kéo dài 3,5 năm do đại dịch đã hết hạn.

Ông Kevin Carey, cựu Chủ tịch ABI chỉ ra rằng, lãi suất thế chấp tăng góp phần làm gia tăng tỷ lệ phá sản. Các vụ phá sản theo Chương 13 thường liên quan đến những người tiêu dùng không trả được nợ thế chấp (các khoản vay thế chấp nhà lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm hiện nay khoảng 7%/năm, trong khi 2 năm trước là 3%/năm).

Ông Andrew Carey, chuyên gia về tái cơ cấu doanh nghiệp và cố vấn cấp cao tại Công ty luật toàn cầu Hogan Lovells cho hay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí đi vay cao và gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Trong đó, các chủ sở hữu bất động sản thương mại gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản thế chấp và thị trường đang gặp vấn đề lớn khi người thuê sụt giảm.

Công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab dự báo, tình hình vỡ nợ và phá sản tại Mỹ có thể đạt đỉnh vào cuối quý I/2024.

Dù nền kinh tế vẫn đang đứng vững sau 1 năm rưỡi Fed liên tục nâng lãi suất, nhưng ông Steven Blitz, chuyên gia kinh tế trưởng tại GlobalData TS Lombard cảnh báo: “Việc có thêm nhiều vụ phá sản doanh nghiệp kết hợp với thị trường chứng khoán giảm điểm và tình trạng vỡ nợ thẻ tín dụng tăng lên cho thấy, kinh tế Mỹ có thể đang hướng đến suy thoái”.

Đồng quan điểm, ông Stephen Brown, chuyên gia kinh tế phụ trách Bắc Mỹ tại Capital Economics nhận xét, số lượng doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản tăng mạnh là dấu hiệu bi quan với triển vọng kinh tế, bởi khi tính đến phương án phá sản họ sẽ buộc phải cắt giảm chi phí thông qua sa thải người lao động.

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục