Mỹ dự định tiếp nhận khoảng 100.000 người Ukraine sơ tán đến nước này.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden đang ở Brussels, Bỉ để gặp các nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về các biện pháp phản ứng chung với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Các cơ chế tiếp nhận người sơ tán từ Ukraine sang Mỹ có thể là thông qua chương trình nhập cư của Mỹ, chương trình thị thực thân nhân hoặc một quy chế tạm thời khác theo chính sách nhân đạo.
Tuy nhiên, hiện không có thông tin chi tiết về các khâu chuẩn bị hậu cần và đi lại cho người sơ tán từ Ukraine sang Mỹ.
Trước đó, Washington thông báo sẽ đẩy nhanh quy trình xét thị thực nhập cảnh cho những người Ukraine là thân thích của công dân Mỹ và cư dân nước này. Mỹ cũng tăng cường nhân lực để xử lý các hồ sơ nhân đạo, cho phép người nhập cảnh trong trường hợp khẩn cấp mà chưa có thị thực.
Mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cho biết Tổng thống Biden sẽ thông báo thêm những hình thức hỗ trợ nhân đạo của Mỹ trước tình hình dòng người sơ tán từ Ukraine ngày càng tăng.
Cũng trong ngày 24/3, Liên hợp quốc thông báo gần 3,7 triệu người đã sơ tán từ Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), 3.674.952 người Ukraine đã sơ tán ra khỏi đất nước. Tổng cộng hơn 10 triệu người Ukraine đã sơ tán ra khỏi nơi sinh sống, trong đó có gần 6,5 triệu người di tản trong nước.
Theo UNHCR, trong số người sơ tán từ Ukraine ra nước ngoài, có 2.173.944 người sang Ba Lan. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ biên giới Ba Lan cho biết con số trên cao hơn, ở mức 2,2 triệu người.
Từ Ba Lan, nhiều người Ukraine tiếp tục di chuyển sang các quốc gia khác ở Liên minh châu Âu (EU).
Mỹ thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine
Ngày 24/3, Nhà Trắng cho biết Mỹ cam kết tham gia hỗ trợ để đảm bảo những người bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine có thể tiếp cận thực phẩm, nước sạch, nơi trú ẩn, và chăm sóc y tế.
Ngoài việc hỗ trợ những người gặp khó khăn ở Ukraine, Mỹ đang hỗ trợ các nỗ lực của các nước láng giềng với Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) để tiếp nhận hàng triệu người tị nạn.
Cụ thể, Mỹ chuẩn bị cung cấp hơn 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những tác động trên khắp thế giới, bao gồm cả tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng.
Nguồn kinh phí này sẽ được dùng để cung cấp thực phẩm, chỗ ở, nước sạch, vật tư y tế và các hình thức hỗ trợ khác. Mỹ cũng công bố thêm 320 triệu USD tài trợ cho Ukraine và các nước láng giềng.
Ngoài ra, Mỹ tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến y tế công cộng ở Ukraine và khu vực nhằm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm như bại liệt, bệnh lao và COVID-19, đồng thời giúp đảm bảo bệnh nhân tiếp tục được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế.
Với sự hỗ trợ của Mỹ và các nước, Chương trình Lương thực thế giới đang nỗ lực tiếp cận 3,1 triệu người ở Ukraine với khẩu phần ăn sẵn, đồ hộp, bánh mỳ, lúa mỳ, bột mỳ và dầu.
Kể từ ngày 24/2, Mỹ đã cung cấp hơn 123 triệu USD để bổ sung cho công việc của các nước láng giềng và EU để tiếp nhận hàng triệu người tị nạn, bao gồm 48 triệu USD ở Ba Lan, 30 triệu USD ở Moldova, 10 triệu USD ở Romania, 9 triệu USD ở Hungary và 4 triệu USD ở Slovakia.
Ngoài ra, Mỹ đã phân bổ 5,5 triệu USD để tạo điều kiện cho 20.000 công dân nước thứ ba trở về nhà từ Ukraine một cách an toàn và có trật tự.
Mỹ đang khởi động sáng kiến EDRI nhằm cung cấp ít nhất 320 triệu USD tài trợ mới để hỗ trợ khả năng phục hồi của xã hội ở Ukraine và các nước lân cận.