Ngày 29/8, công ty có trụ sở tại thành phố San Francisco, Mỹ đã xác nhận việc hãng này đang hợp tác với các nhà điều tra thuộc Bộ Tư pháp Mỹ trong cuộc điều tra về những cáo buộc vi phạm Luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) với quy định nghiêm cấm việc hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài để nhận được những ưu đãi trong kinh doanh.
Tuy nhiên, chưa rõ các cơ quan pháp luật Mỹ sẽ tiến hành công việc điều tra tại một quốc gia hay tại nhiều quốc gia mà Uber đang hoạt động kinh doanh. Hiện Uber đã có mặt tại trên 600 thành phố trên toàn cầu.
Cuộc điều tra trên chỉ là một trong hàng loạt cuộc điều tra nhắm vào Uber trong thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh hãng này vừa sa thải Giám đốc điều hành Travis Kalanick hồi tháng 6 vừa qua do bị sức ép từ cổ đông và hiện Uber vẫn chần chừ trong việc chọn lựa người kế nhiệm.
Ứng cử viên được xem là sáng giá nhất cho vị trí này là Dara Khosrowshahi, cựu CEO của hãng lữ hành hàng đầu thế giới Expedia Inc.
Trước đó vào tháng 5, Bộ Tư pháp Mỹ cũng tiến hành điều tra hình sự Uber vì cáo buộc sử dụng phần mềm bí mật có tên là Greyball giúp cá tài xế có thể hoạt động tại những khu vực mà Uber bị cấm kinh doanh.
Bị nhật báo The New York Times phanh phui từ tháng 3, phần mềm này thậm chí còn giúp lái xe phát hiện và tránh được cảnh sát giao thông cho dù họ có đóng giả là người sử dụng dịch vụ gửi thông tin yêu cầu đến Uber.
Từng là một công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới với giá trị thương hiệu lên tới 68 tỷ USD, Uber đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất của mình với hàng loạt các rắc rối về pháp lý cũng như trong nội bộ công ty.
Cho đến nay, nhiều nước trên thế giới đã cấm dịch vụ taxi của Uber hoạt động.