"Tình hình địa chính trị đã thay đổi đáng kể từ sau lần đầu chúng tôi công bố đề xuất thỏa thuận với Ant Financial gần một năm trước", CEO MoneyGram - Alex Holmes cho biết trong thông cáo hôm qua. Ant Financial đã trả MoneyGram khoản phí 30 triệu USD để chấm dứt thương vụ này.
Thỏa thuận giữa hai bên lần đầu được công bố tháng 1 năm ngoái. Ant Financial ban đầu đồng ý trả 880 triệu USD, nhưng sau đó đã nâng lên 1,2 tỷ USD vào tháng 4 khi một công ty Mỹ cũng muốn mua MoneyGram.
Thương vụ sau đó được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ (CFIUS) xem xét. "Dù chúng tôi đã rất nỗ lực hợp tác với Chính phủ, rõ ràng CFIUS sẽ không chấp thuận việc sáp nhập này", Holmes cho biết.
Trước đó, thương vụ cũng gây tranh cãi trong giới nghị sĩ Mỹ. Tháng 2 năm ngoái, Robert Pittenger và Chris Smith đã bày tỏ lo ngại trên Wall Street Journal: "Nếu giao dịch này được chấp thuận, Chính phủ Trung Quốc sẽ có quyền tiếp cận và nắm được thông tin về thị trường tài chính và dòng chảy tiền quốc tế. Chúng ta không thể bỏ qua các khoản đầu tư của Trung Quốc nhắm vào hệ thống tài chính quan trọng của mình được".
Hai nghị sĩ này cho rằng Chính phủ Trung Quốc nắm 15% cổ phần trong Ant Financial. Dù vậy, người phát ngôn của công ty này khẳng định họ "không bị kiểm soát hay sở hữu bởi Chính phủ".
"Cũng như các quỹ hưu trí của Chính phủ Mỹ đầu tư vào các công ty Mỹ, một số quỹ đầu tư của Chính phủ Trung Quốc có cổ phần nhỏ trong Ant Financial. Tuy nhiên, họ đều nắm cổ phần không kiểm soát, và không tham gia vào việc quản trị công ty", người này cho biết.
Nếu thành công, đây sẽ là bước đi lớn đầu tiên của Ant Financial trong quá trình mở rộng ra nước ngoài. MoneyGram hiện có hơn 650 triệu người dùng trên toàn cầu, cạnh tranh với Western Union về dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới.