Muôn vẻ mua bảo hiểm qua ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không có quy định bắt buộc người đi vay tiền ngân hàng phải mua bảo hiểm, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra…
Nhiều trường hợp khách hàng mua bảo hiểm là để đối phó nhằm được giải ngân khoản vay Nhiều trường hợp khách hàng mua bảo hiểm là để đối phó nhằm được giải ngân khoản vay

Từ chào mời đến gây sức ép

Tuần qua, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được phản ánh của anh Lương Th., nhân viên chi nhánh TP.HCM của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ, liên quan tới khách hàng Huỳnh V. tuy đã mua bảo hiểm xe ô tô tại công ty từ nhiều năm trước (xe đăng ký lần đầu vào năm 2017), nhưng vẫn bị nhân viên tại ngân hàng nơi anh V. cầm cố xe để vay tiền yêu cầu phải mua bảo hiểm tại ngân hàng này thì mới cấp giấy cavet photo đi đường (đăng ký xe được đóng dấu bởi ngân hàng).

Theo anh Th., công ty bảo hiểm là 1 trong 4 đơn vị liên kết với ngân hàng và sản phẩm được “chỉ định” mua cũng là của công ty bảo hiểm này, mức phí bảo hiểm là trên 10 triệu đồng/năm.

Theo thông tin từ nhiều đại lý bảo hiểm và khách hàng, tại không ít ngân hàng, ngoài bảo hiểm ô tô, khách hàng còn được “chào mời” mua các loại bảo hiểm khác khi gửi tiết kiệm, vay vốn như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm sức khỏe... Quyền mua bảo hiểm thuộc về khách hàng, nhưng nếu từ chối thì việc được vay vốn là không dễ dàng!

Doanh thu bảo hiểm qua ngân hàng tiếp tục tăng

Theo ghi nhận từ các ngân hàng, doanh thu bán bảo hiểm tiếp tục tăng trong mùa dịch. Tính riêng trong tháng 7/2020, SCB dẫn đầu thị trường với doanh thu từ bảo hiểm đạt 164 tỷ đồng, VIB đạt 155 tỷ đồng, các ngân hàng ACB, Techcombank và MB đều đạt trên 90 tỷ đồng.

Trong vai khách hàng đi vay tiền mua ô tô tại một số phòng giao dịch của ngân hàng khu vực Hà Nội nhằm kiểm chứng thông tin, phóng viên nhận được câu trả lời ngân hàng không bắt buộc khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay tiền, nhưng các nhân viên tín dụng hay nhân viên bảo hiểm ngồi tại quầy ngân hàng đều không quên giới thiệu “nếu mua thêm bảo hiểm nhân thọ thì khách hàng sẽ được giảm lãi vay”.

Trao đổi vấn đề này với một tư vấn viên bảo hiểm có nghề thì được biết, các nhân viên bán bảo hiểm không dám tỏ “thái độ ép khách”, mà chỉ dừng ở mức tư vấn. Tuy nhiên, “đề nghị” mua bảo hiểm sẽ xuất hiện khi gần đến giai đoạn giải ngân, bởi đây là thời điểm “dễ thỏa hiệp” với khách hàng nhất.

Cần phải “thông thái”

Câu chuyện ngân hàng dùng nhiều cách để “chào mời”, thậm chí “ép” người đi vay mua bảo hiểm tại công ty bảo hiểm thuộc diện “người nhà” của ngân hàng không phải là câu chuyện mới và được đề cập nhiều những năm qua, nhưng chưa có hướng xử lý cụ thể.

Theo phản ánh của nhiều nhân viên bảo hiểm, áp lực lớn dần kể từ thời điểm đại dịch Covid bắt đầu bùng phát vào tháng 3-4 vừa qua, khi chỉ tiêu từ hội sở ngân hàng dội xuống các chi nhánh, phòng giao dịch, nên khó tránh việc cạnh tranh không lành mạnh để đảm bảo doanh số.

Chỉ đến khi nhân viên của một công ty bảo hiểm do bị “mất khách” vào tay một nhân viên bán bảo hiểm tại ngân hàng dẫn đến bức xúc và tung hê mọi thứ lên mạng xã hội thì câu chuyện mới nóng lên.

Tất nhiên, không phải trường hợp nào ngân hàng cũng “ép” thành công.

Đơn cử, trong thư gửi tới Báo Đầu tư Chứng khoán vào tháng 3, khách hàng Trần Hoài Bảo (Hóc Môn) cho biết, nhân viên tín dụng tại ngân hàng V. - Chi nhánh Tân Phú (TP.HCM) đã ép anh phải mua thêm bảo hiểm tại Prudential (mức đóng 25 triệu đồng/năm) mới được giải ngân khoản vay 1,3 tỷ đồng, trong khi trước đó anh đã mua bảo hiểm của Hanwha, Bảo Việt.

Ngoài một số đơn vị truyền thông, khách hàng còn gửi đơn khiếu nại tới Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm nhờ can thiệp. Sau đó, cơ quan này yêu cầu rà soát, xác minh nội dung phản ánh của khách hàng và đề nghị xử lý đại lý bảo hiểm (nếu có), kết quả là khách hàng không phải mua thêm bảo hiểm và được hoàn trả khoản phí đã đóng.

Tương tự là trường hợp của anh Lương Th., sau khi thông tin cho nhân viên tín dụng rằng sự việc đã được phản ánh tới cơ quan báo chí, thậm chí là các cơ quản quản lý nếu cần thiết, anh Huỳnh V. không phải mua thêm bảo hiểm và ngân hàng đã cấp cavet photo đi đường cho khách hàng này.

Theo đại lý bảo hiểm nhân thọ Hồ Thị Ngọc Như, việc khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm tốt cho cả khách hàng và nhà bảo hiểm, nhưng không vì thế mà o ép, nên để khách hàng chủ động chọn mua.

“Khách hàng cần phải ‘thông thái’ trước các chiêu trò, bởi không có quy định nào bắt buộc người đi vay ngân hàng phải mua bảo hiểm”, chị Như nói.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục