Muốn vay chứng khoán, chờ quyền được bán khống đã!

(ĐTCK) Cơ chế vay và cho vay chứng khoán mà Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đang xin ý kiến thị trường không dành cho nhà đầu tư đại chúng.
Theo dự thảo Quy chế vay và cho vay chứng khoán, NĐT cá nhân không được vay chứng khoán Theo dự thảo Quy chế vay và cho vay chứng khoán, NĐT cá nhân không được vay chứng khoán

Trong kiến nghị gửi đến ngành chứng khoán năm 2014, hai CTCK lớn nhất TTCK là SSI và HSC đồng thời cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm triển khai sản phẩm vay mượn cổ phiếu nhằm làm tăng tính thanh khoản và làm nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm mới tại TTCK Việt Nam.

Diễn biến mới nhất liên quan đến đề xuất này là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố bản dự thảo Quy chế vay và cho vay chứng khoán (SBL), để tham vấn các thành viên thị trường.

Cá nhân chỉ được cho vay, chưa được vay chứng khoán

Tổng giám đốc CTCK HSC, ông Johan Nyvene cho rằng, từ năm 2009, trên TTCK đã xuất hiện một số hoạt động tự phát từ nhu cầu của các nhà đầu tư và mang tính chất của các sản phẩm phái sinh như vay mượn cổ phiếu để bán trước. Tuy nhiên, do các hoạt động vay, mượn cổ phiếu vẫn chưa được cho phép thực hiện chính thức do không có quy định hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy, nhu cầu vay mượn cổ phiếu của các nhà đầu tư không được CTCK hỗ trợ, khiến cung cầu rất khó gặp nhau, mất đi cơ hội tăng thanh khoản cho thị trường.

Nhưng cơ chế vay và cho vay chứng khoán mà VSD đang xin ý kiến thị trường lại không dành cho nhà đầu tư đại chúng. Trong một lần trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch VSD, bà Phương Hoàng Lan Hương cho biết, VSD đang xây một hệ thống trung gian, kết nối các nhu cầu vay và cho vay trên thị trường để nghiệp vụ này được thực hiện một cách lành mạnh, có quản lý và theo đúng định hướng phát triển chung của ngành. Đối tượng được vay chứng khoán chỉ giới hạn ở các tổ chức là các thành viên lập quỹ (các AP) của loại hình sản phẩm ETF và các thành viên lưu ký là công ty chứng khoán khi cần chứng khoán để thực hiện sửa lỗi giao dịch.

Đối với nhà đầu tư đại chúng, Chủ tịch VSD cho biết, chỉ khi nào pháp luật cho phép nhà đầu tư được quyền bán khống chứng khoán thì VSD sẽ mở rộng đối tượng được vay chứng khoán đến nhà đầu tư.

Thực tế, ngay trong phần đầu tiên của Quy chế vay và cho vay chứng khoán mà VSD vừa công bố lấy ý kiến thị trường có quy định, nhà đầu tư cá nhân có thể cho vay chứng khoán (nếu có chứng khoán lưu ký tại VSD và có nhu cầu), nhưng không được đi vay chứng khoán từ hệ thống này. Đối tượng đi vay, như đã nói trên, chỉ gồm các AP và CTCK khi cần chứng khoán để sửa lỗi giao dịch.

Các chủ thể cho nhu cầu có thể chọn cách thỏa thuận trực tiếp, tức là bên vay và bên cho vay trực tiếp trao đổi thống nhất về các điều kiện vay và cho vay chứng khoán trước khi chuyển thông tin vào hệ thống để xác lập thỏa thuận. Một cách khác là thỏa thuận qua hệ thống, tức là bên có nhu cầu vay hoặc cho vay chứng khoán đưa chào vay/chào cho vay vào hệ thống SBL để tìm đối tác cho vay/vay chứng khoán. Nhu cầu vay hoặc cho vay được thể hiện bằng các lệnh chào trong hệ thống SBL để tìm đối tác tương ứng cho vay/vay chứng khoán.

Vì sao cần cơ chế vay và cho vay chứng khoán?

Với quan điểm xây hệ thống SBL như trên, đại đa số nhà đầu tư cá nhân có lẽ không còn hào hứng với hy vọng được mở rộng không gian đầu tư qua hình thức vay chứng khoán để bán trước (khi đánh giá TTCK sẽ giảm), bởi họ không được quyền vay chứng khoán. Với nhà đầu tư, hệ thống SBL sẽ chỉ hữu ích khi nhà đầu tư sở hữu lượng cổ phiếu lớn, ổn định, có thể qua đó để cho vay và hưởng phí từ dịch vụ này.

Vậy vì sao nhu cầu về cơ chế vay và cho vay chứng khoán trở nên “nóng bỏng” lúc này, trong khi với các CTCK, 14 năm nay không có cơ chế này vẫn giao dịch, thanh toán an toàn trên thị trường? Điểm cốt lõi của câu trả lời là ở chỗ, không có SBL, sẽ không thể hình thành các AP - các thành viên lập loại hình quỹ ETF - một sản phẩm quỹ mang tính “thời thượng”, đang được một số công ty quản lý quỹ lớn, xúc tiến triển khai.

Tổng giám đốc CTCK Dầu khí Phạm Quang Huy chia sẻ, trên nhiều TTCK lớn, trường phái đầu tư chủ động (tự lựa chọn danh mục đầu tư) và bị động (đầu tư theo chỉ số, ETF) từng hiện diện song song, nhưng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, xu hướng lựa chọn trường phái đầu tư có sự thay đổi. Người ta nhận ra rằng, không cần phải suy nghĩ gì, không cần phải làm gì, cứ đầu tư một cách thụ động theo chỉ số được xác định sẵn, vẫn thu được hiệu quả cao, nhờ “ăn” theo quy luật tăng tự nhiên của thị trường. Chính vì thực tế này mà loại hình quỹ ETF ngày càng trở nên được ưa thích. Một thống kê của Công ty Quản lý quỹ VCBF cho biết, tại Mỹ, loại hình quỹ ETF chiếm 9,1%  tổng giá trị của các quỹ đầu tư, trong khi loại hình quỹ đóng chỉ chiếm 1,8%.

Về hình thức, ETF là loại hình quỹ đầu tư “lười nhác”, vì chỉ đầu tư theo các cổ phiếu trong một rổ chỉ số xác định, nhưng thực chất, hoạt động quản lý, vận hành quỹ này rất phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó có một đối tượng là thành viên lập quỹ (AP). Các AP là tổ chức đứng giữa, kết nối nhà đầu tư đại chúng với công ty quản lý quỹ, để đảm bảo tiền của nhà đầu tư được “đổi” thành một rổ chứng khoán mô phỏng theo danh mục chứng khoán cơ cấu và ngược lại, đảm bảo khi nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ ETF thì có 1 rổ chứng khoán tương ứng mô phỏng theo danh mục chứng khoán cơ cấu được bán hết để trả tiền về cho nhà đầu tư.

Vì tính chất đặc thù này, các AP bắt buộc phải được quyền vay chứng khoán (để đảm bảo khả năng tạo lập rổ chứng khoán mô phỏng theo danh mục chứng khoán cơ cấu của ETF). Và khi chưa có cơ chế cho các AP được vay chứng khoán, ETF sẽ không thể ra đời.

Như vậy, xét trên khía cạnh trực diện, cơ chế vay và cho vay chứng khoán mà VSD xây dựng chỉ phục vụ một phần rất nhỏ nhà đầu tư đại chúng, đang sở hữu và lưu ký lượng chứng khoán lớn, ổn định, có nhu cầu cho vay để hưởng phí từ tài sản này.

Tuy nhiên, xét trên tổng thể thị trường, cơ chế này đi vào vận hành, cùng với Quy chế niêm yết và giao dịch ETF tại 2 sở GDCK và hệ thống cơ sở pháp lý cho ETF (Thông tư 229/2012/TT-BTC), sẽ mở ra một không gian mới cho các công ty quản lý quỹ phát triển loại hình quỹ ETF, nhằm cung cấp thêm một sự lựa chọn cho nhà đầu tư đại chúng tại Việt Nam.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục