Muốn thoái vốn mạnh, cần chính sách đột phá

TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, nếu không có cơ chế, chính sách đột phá, thì khó có thể đột phá trong thoái vốn và cổ phần hóa.
Muốn thoái vốn mạnh, cần chính sách đột phá

Trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp mới thoái được 3.772 tỷ đồng vốn nhà nước trong số hàng chục ngàn tỷ đồng phải thoái theo kế hoạch. Điều này cho thấy, việc thoái vốn vẫn vô cùng khó khăn. Theo ông, vì sao vậy?

Nếu anh có tiền và muốn đầu tư vào doanh nghiệp thì anh sẽ làm gì? Chắc chắn, anh không muốn mua cổ phần tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, vì tại những doanh nghiệp này, Nhà nước nắm giữ tỷ lệ cổ phần rất lớn, thậm chí nắm giữ trên 80 - 90%.

Với những doanh nghiệp Nhà nước giữ cổ phần chi phối, việc chỉ mua được 1 - 2%, kể cả mua 5 - 7%, sẽ không giải quyết được việc gì, vì toàn bộ quyết định về quản trị doanh nghiệp, nhân sự, lương thưởng cho người lao động và ban lãnh đạo, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, công nợ… vẫn do người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ban lãnh đạo doanh nghiệp quyết định.

Trong trường hợp này, đầu tư là mạo hiểm vì hoạt động, tình hình tài chính, công nợ của các doanh nghiệp rất thiếu minh bạch.

Vậy theo ông, nhà đầu tư nên đầu tư vào đâu?

Nên đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vì các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu bắt buộc phải minh bạch mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh, báo cáo tài chính, tình hình công nợ, đầu tư, chi phí lương thưởng cho người lao động cũng như ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Hơn nữa, khác với công ty cổ phần của các nước trên thế giới (là công ty đại chúng có hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn, hàng triệu cổ đông, mỗi cổ đông chỉ nắm giữ tỷ lệ cổ phần rất ít, ban lãnh đạo doanh nghiệp và thành viên hội đồng quản trị chỉ là người làm thuê), thì tại Việt Nam, công ty cổ phần cũng được gọi là công ty đại chúng, nhưng chỉ có một nhóm cổ đông giữ cổ phần chi phối, thậm chí nhóm cổ đông giữ cổ phần chi phối lại có quan hệ gia đình.

Nhóm cổ đông chi phối thực ra cũng là thành viên ban lãnh đạo, thành viên hội đồng quản trị và họ “sống chết” với doanh nghiệp, nên nhà đầu tư bỏ tiền vào đây yên tâm hơn.

Trong khi đó, khi đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư rất dễ dàng mua hoặc bán lại cổ phiếu, dễ dàng thay đổi danh mục đầu tư, dễ dàng thu tiền về khi cần thiết vì tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán rất cao.

Nhưng nếu nhà đầu tư có nhiều tiền, muốn sở hữu doanh nghiệp mà mua gom cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong trường hợp này, tham gia đấu giá cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc thoái vốn khả dĩ hơn rất nhiều, thưa ông?

Vấn đề nằm ở chỗ, dù nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu với khối lượng lớn, mua cả lô để nắm giữ cổ phần chi phối, thậm chí là nhà đầu tư chiến lược đi chăng nữa cũng không thể được ưu đãi hơn so với nhà đầu tư mua nhỏ lẻ.

Cụ thể, theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP, trường hợp chỉ có một nhà đầu tư chiến lược được mua theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, nhưng với giá bán không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai ra công chúng; còn nếu có từ 2 nhà đầu tư chiến lược trở lên, thì phải đấu giá công khai, nhưng giá bán cũng không được thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai ra công chúng.

Với công ty cổ phần còn vốn nhà nước đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, Nghị định 32/2018/NĐ-CP cũng quy định: giá bán thỏa thuận trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư tham gia, nhưng phải theo giá sàn (giá giao dịch trên thị trường chứng khoán) trong trường hợp giá thỏa thuận thấp hơn giá sàn; ngược lại, nếu giá thỏa thuận cao hơn giá sàn, thì giá bán tính theo giá thỏa thuận.

Nói chung, nhà đầu tư muốn “mua cả lô” cổ phần nhà nước để làm chủ doanh nghiệp thì vẫn không hề được ưu tiên, ưu đãi về giá, nên không ai mặn mà. Đây là nguyên nhân khiến việc thoái vốn, cổ phần hóa khó chuyển biến, dù rất nhiều chính sách, cơ chế liên quan đến vấn đề này đã được hoàn thiện trong vài năm gần đây.

Theo ông, để đẩy đẩy mạnh việc bán vốn, cổ phần hóa, cần phải có chính sách đột phá gì?

Phải có bước đột phá hơn nữa trong chính sách. Theo quy định hiện hành, các công trình, dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT, trong trường hợp đấu thầu công khai, rộng rãi không được, chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, thì thực hiện chỉ định thầu. Tương tự như vậy, trong trường hợp đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận vốn nhà nước không được, thì có thể mở thêm phương thức bán chỉ định cho nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu.

Nói một cách dễ hiểu, phát hành cổ phiếu bằng các hình thức khác không được thì thực hiện phát hành riêng lẻ (bán chỉ định), cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho một nhà đầu tư hoặc một nhóm nhỏ nhà đầu tư theo giá “thuận mua, vừa bán”, các bên cùng có lợi: Nhà nước bán được vốn, thu hồi tiền đầu tư vào việc khác; doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sang ông chủ thực sự tiếp tục phát triển, đóng thuế cho Nhà nước; nhà đầu tư mua được doanh nghiệp mình mong muốn.

Thưa ông, nếu bán như vậy rất dễ xảy ra tham nhũng?

Có thể do sợ tham nhũng, nên Nhà nước chưa mạnh dạn phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Tôi cho rằng, tham nhũng khó có thể xảy ra nếu thực hiện nghiêm túc quy trình xác định giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xác định giá khởi điểm sát với giá thị trường, công khai, minh bạch.

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới, dự kiến mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; Bộ luật Hình sự cũng đã có quy định một số tội phạm tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

Tức là, đã có chế tài xử phạt trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn và doanh nghiệp tham gia mua cổ phần nhà nước móc nối, thông đồng với nhau làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong trường hợp bán cổ phần chỉ định.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục