Ru ngủ cổ đông bằng… đọc báo cáo
Câu chuyện này diễn ta tại ĐHCĐ CTCP Cao su Sao vàng (SRC). Sau phần trình bày của vị tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty (về cơ bản là đọc lại báo cáo có sẵn) đến lượt kế toán trưởng trình bày báo cáo tài chính.
Thay vì đọc những con số chính về lợi nhuận, doanh thu, cổ tức… vị này đã đọc tất cả các chỉ tiêu, trong đó có cả so sánh kế hoạch năm trước năm sau, lũy kế và mỗi con số đọc chi tiết đến hàng đơn vị!
Việc công khai công bố tình hình tiền nong của DN là cần thiết nhưng việc đọc các con số dài dằng dặc khiến các cổ đông ngủ gật. Vậy nhưng, chủ tọa đại hội thay vì yêu cầu đọc một số chỉ tiêu chính lại chỉ nhắc vị kế toán trưởng lược bớt con số hàng đơn vị cho… đỡ mất thời gian!
Cùng với các thủ tục đại hội, bầu bán, bỏ phiếu, việc đọc các báo cáo đã mất phần lớn thời gian. Thời gian để các NĐT trao đổi với DN không được nhiều. Thay vì hỏi trực tiếp trên diễn đàn đại hội, một số NĐT "đói" thông tin phải tìm cách hỏi lãnh đạo DN bên hành lang.
Mặc dù tài liệu đại hội đã được các công ty đưa lên website, đến khi họp lại phát bản tài liệu in cho các cổ đông, nhưng việc đọc nguyên các báo cáo vẫn diễn ra.
Nhưng với nhiều DN thì đây cũng là cách câu giờ hợp lệ! Một số DN đã "né" câu hỏi của NĐT bằng cách phát các phiếu đặt câu hỏi. Khi NĐT đặt câu hỏi xong được tập hợp về ban tổ chức. Thông qua một bộ lọc, những vấn đề nhạy cảm sẽ được giải thích là để lại trả lời sau bằng văn bản!
Truy vấn chủ tịch HĐQT mua máy bay!
Phần hỏi đáp tại ĐHCĐ CTCP Hòa Phát diễn ra khá sôi động. Là DN sản xuất công nghiệp nhưng có hoạt động bất động sản nên nhiều câu hỏi tập trung vào việc cấp phép, tiến độ các dự án.
Có những cổ đông bám sát hoạt động của DN đã chất vấn về khoản phải trả DN lên đến 17,42 tỷ đồng của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty.
Ông Long đăng đàn giải thích, năm qua, do nhu cầu công việc lớn nên ông đã mua một chiếc chuyên cơ trị giá trên 17 tỷ đồng. Tuy nhiên thay vì đứng tên cá nhân, ông đã ủy thác qua Công ty. Chính vì thế, ông sẽ phải thực hiện việc trả cho Công ty số tiền trên. Mặc dù được giải thích, nhưng không ít cổ đông vẫn băn khoăn chuyện: máy bay riêng nhưng lại đứng tên Công ty.
Như vậy, các chi phí phát sinh như thuê phi công, thuê sân bay, bảo dưỡng… sẽ hạch toán ra sao? Qua câu chuyện này có thể thấy, lãnh đạo các DN ngày càng chịu sức ép về sự công khai, minh bạch trong hoạt động!
Khi cổ đông … "ép"
Năm 2010 được đánh giá là khó khăn trong hoạt động kinh doanh của DN khi gói kích cầu bị rút đi, tăng trưởng tín dụng thấp do áp lực lạm phát, nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng chưa hồi phục… đó là lý do khiến các DN đưa ra mục tiêu khá khiêm tốn.
Tuy nhiên không ít DN "té nước theo mưa" để đưa ra kế hoạch rất thấp khiến cổ đông bức xúc! Một lãnh đạo DN đã không giấu giếm khi cho biết đặt kế hoạch thấp cho an toàn.
Đặt kế hoạch cao, chẳng may không thực hiện được rất khó ăn nói với cổ đông khi tổ chức đại hội. Tuy nhiên, không phải cổ đông của DN nào cũng dễ dàng buông xuôi theo đề xuất của lãnh đạo DN.
Một DN niêm yết có trụ sở tại Hà Nội, đặt kế hoạch năm 2010 khiêm tốn ở con số 40 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mặc dù năm 2009 đạt trên 100 tỷ đồng.
Việc đặt kế hoạch kinh doanh thấp trong khi DN lại có kế hoạch tăng vốn từ gần 100 tỷ lên 160 tỷ đồng khiến các cổ đông không hài lòng. Sau một hồi tranh luận về tiềm năng hoạt động của Công ty, NĐT đã "ép" ban điều hành phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận lên 68 tỷ đồng!
Có một thực tế mà tôi chứng kiến là tại các ĐHCĐ, NĐT thường chất vấn DN nhiều hơn là đóng góp, xây dựng và “hiến kế" để DN ngày càng phát triển tốt hơn. Hy vọng những mùa ĐHCĐ tiếp theo, cả ban điều hành DN lẫn cổ đông đều tìm được tiếng nói chung cũng như tổ chức, điều hành một cuộc ĐHCĐ thực sự hữu ích.