Theo kế hoạch, ngày 8/12 tới, SCIC sẽ bán 21,79% (tương đương hơn 96 triệu cổ phần) trong số 57,79% vốn điều lệ nắm giữ tại Vinaconex.
Nhà đầu tư phải đặt cọc 10% và lần này không có quy định cho phép nhà đầu tư được đặt cọc bằng USD như đợt đấu giá VNM mới đây. Điều này có nghĩa, tất cả nhà đầu tư trong hay ngoài nước đều phải đặt cọc bằng VND.
Giá khởi điểm sẽ được công bố trong khoảng 28/11 đến 7/12. Điểm mới trong quy chế đấu giá VCG là nhà đầu tư có thể hủy đăng ký chào giá trong thời gian làm thủ tục đăng ký mà không bị mất tiền cọc. Hiện thị giá cổ phiếu VCG đạt trên 25.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện nay, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của SCIC tại VCG là 57,79%, Viettel nắm giữ 21,28%, các cổ đông khác nắm giữ 20,93% còn lại. Nếu bán thành công số cổ phần lần này, SCIC chỉ còn nắm giữ 36% vốn điều lệ của VCG, đảm bảo quyền phủ quyết các quyết định của Hội đồng quản trị.
Theo lộ trình, từ nay tới năm 2020, SCIC sẽ thoái tiếp 36% vốn còn lại tại VCG.
Điểm hạn chế nhất của cuộc chào bán này là VCG có ngành nghề kinh doanh bất động sản và bị giới hạn room với nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49%.
Hiện Vinaconex đang trong giai đoạn tái cấu trúc bằng việc tập trung, dồn lực vào 2 công ty mới thành lập chuyên về xây lắp và đầu tư kinh doanh bất động sản. Môt trong các dự án lớn nhất về bất động sản của VCG là Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (liên doanh 50%).
Theo chia sẻ của ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc VCG, năm 2018, dự án này ước mang về 430 tỷ đồng lợi nhuận thuần cho Vinaconex, trừ đi các chi phí sẽ còn hơn 200 tỷ đồng.