Áp lực 6 tháng cuối năm
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%. Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, xu hướng giảm tốc của nền kinh tế, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là khá rõ ràng. “Tất cả các ngành kinh tế có đóng góp cho tăng trưởng đều giảm tốc so với năm ngoái, thậm chí có dấu hiệu hụt hơi”, ông Cung nhận xét.
Thực tế, đây là điều đã được nhận ra ngay từ khi các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 được công bố. Và xu hướng đang tiếp tục trong quý thứ hai.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi nhận định về tình hình kinh tế nửa đầu năm 2019, cũng đã nhắc đến sự giảm tốc của cả 3 khu vực kinh tế.
Tuy nhiên, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các bộ ngành, địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, không có chuyện vì khó khăn mà lùi bước, cũng không có chuyện điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nào.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 6,6-6,8%. Tuy nhiên, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng ở ngưỡng cao, tức là 6,8%, thậm chí cao hơn.
Câu hỏi đặt ra là, nếu GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 6,76%, thì 6 tháng cuối năm, nền kinh tế sẽ phải “chạy” theo kịch bản nào, để cả năm có thể đạt mục tiêu đề ra?
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tăng trưởng GDP quý I - sau khi tính toán lại - là 6,82%, chứ không phải là 6,79% như ước tính trước đó, còn tăng trưởng GDP quý II là 6,71%, tính chung 6 tháng là 6,76%. So với kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ đã vạch ra từ đầu năm, ban hành đồng thời với Nghị quyết số 01, tăng trưởng GDP quý I đã thấp hơn 0,11 điểm phần trăm, 6 tháng thấp hơn 0,04 điểm phần trăm, còn quý II lại cao hơn 0,01%.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chưa theo kịp kịch bản ban đầu, do vậy, áp lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm là rất lớn. Cụ thể, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để cả năm, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,8%, thì quý III phải tăng trưởng 6,91%, còn quý IV phải tăng trưởng 6,77%.
“Quý III là quý rất quan trọng, có tính chất quyết định, tốc độ tăng trưởng phải ít nhất đạt 6,91%, đồng thời duy trì mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trên thực tế, so với kịch bản kinh tế được xây dựng ngay từ đầu năm, mức tăng trưởng 6,91% của quý III vẫn thấp hơn 0,12 điểm phần trăm. Trong khi đó, mức tăng trưởng 6,77% của quý IV cao hơn 0,14 điểm phần trăm của kịch bản gốc. Điều đó có nghĩa, áp lực trong những tháng cuối năm là rất lớn, chứ không riêng gì quý III.
Trông cậy vào ngành dịch vụ
Áp lực trong những tháng cuối năm là rất lớn. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái cho rằng, mục tiêu đạt được tăng trưởng 6,8% trong năm nay không quá khó khăn. Tương tự, mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm 2020 cũng vậy.
Tuy nhiên, theo ông Thái, điều quan trọng là phải làm sao để nền kinh tế có thể tạo sự bứt phá, chứ không phải chỉ tăng trưởng “bình bình” như thế. “Đánh giá sâu hơn về nền kinh tế, tôi lo lắng cho lĩnh vực dịch vụ, 6 tháng mà tăng trưởng chưa đạt được 7% là thấp (6 tháng, tăng trưởng của khu vực dịch vụ là 6,69% - PV). Muốn kinh tế đột phá, thì phải dựa vào dịch vụ”, ông Thái nói.
Có chung quan điểm, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh bày tỏ sự lo lắng khi khu vực dịch vụ mọi năm đều tăng trưởng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng 6 tháng đầu năm nay lại thấp hơn. Cả du lịch, tiêu dùng trong nước đều không tăng như kỳ vọng. “Nếu dịch vụ tăng trưởng cao hơn, thì nền kinh tế cũng sẽ có mức tăng trưởng cao hơn”, ông Sinh nói.
Khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, nếu ngành dịch vụ tạo được bước tăng trưởng đột phá, nền kinh tế còn có thể tăng trưởng cao hơn năm ngoái.
Hiện tại, sự tăng trưởng của ngành dịch vụ đang được trông chờ vào các “cú hích” như việc thí điểm thành công các mô hình thanh toán mới, sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), cũng như sự hoàn thiện của khung khổ pháp lý và sự quản lý hiệu quả của các loại hình dịch vụ mới như casino, cá cược… Bên cạnh đó, còn cả việc triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước…
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, muốn có tăng trưởng, phải gia tăng cung. “Ở Việt Nam, muốn tăng trưởng, phải gia tăng sản lượng, gia tăng nguồn cung. Hiện tại, ngoại trừ Dự án Vinfast, thì không có gì mới. Do vậy, phải thúc đẩy đầu tư của cả khu vực nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân”, ông Cung nhấn mạnh.