Muôn kiểu “cò” thuê mua bất động sản

(ĐTCK) Từ dịch vụ tìm thuê nhà trọ ở hộ gia đình, đến bán đất, căn hộ…, ở đâu cũng xuất hiện bóng dáng của “cò”.
Muôn kiểu “cò” thuê mua bất động sản

Tôi được bà Hồng, một trong những “cò” bất động sản ở khu chung cư Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) chủ động tiếp cận giới thiệu về bất động sản ngay tại quán trà đá vỉa hè trong khu chung cư này, khi bà “bắt được sóng” từ tôi.

“Chú đang có nhu cầu về nhà ở à? Ở đây có nhiều lắm, từ thuê ở căn hộ giá từ 4 - 7 triệu đồng/tháng, hay có nhà bán cả căn hộ đấy, giá cũng chỉ trên dưới 1 tỷ đồng thôi. Nếu chú muốn, cũng có một số nhà cần bán đất nền cộng nhà ở khu này…”, hàng loạt thông tin được bà Hồng tuôn ra như một cuốn băng thu sẵn. Chỉ nghe thôi cũng biết đây một “cò” có thâm niên ở khu vực này.

Sau một hồi thuyết trình, bà Hồng không ngần ngại: “Nếu chú thuê nhà, thì cho chị xin nửa tháng tiền nhà tương ứng, còn nếu mua nhà thì cho chị xin dăm ba chục (triệu đồng) hoa hồng chênh lệch, gọi là tiền nước, công liên lạc điện thoại tìm hàng…”.

Sau một tuần trà đá, khó thuyết phục được khách, bà có vẻ không vui và đi tìm mối mới.

Lang thang trên các trang mạng về thông tin bất động sản, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được tiếp cận hàng loạt lời mời mua đất với đủ các loại, từ đất xen kẹt không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất nông nghiệp, đến đất có đầy đủ giấy tờ trong dân hay dự án; từ khu đất liền kề từ nội thành Hà Nội, đến các quận, huyện ngoại ô…

Chỉ cần gọi số di động ghi kèm bài giới thiệu đăng trên các trang web về bất động sản, người có nhu cầu sẽ được hướng dẫn tận tình, mô tả chi tiết về từng loại sản phẩm khách co nhu cầu tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận trước những lời “đường mật” của “cò”, người mua sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí là tiền mất, tật mang.

Anh Dũng (quê Thanh Hóa) từng dính phải lời “đường mật” của môi giới qua mạng, đã xuống tiền mua một mảnh đất xen kẹt ở khu Mỹ Đình với giá rẻ. Lúc đầu anh hý hửng vui mừng vì bao năm mong mỏi, giờ cũng có được “mảnh đất cắm rùi” ở thủ đô. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, hiện anh Dũng đang rơi vào cảnh “dở khóc mếu dở”, vì mảnh đất trên không thể xây nhà để ở được, mà hiện bán cũng không ai mua, vì đất không có giấy tờ pháp lý.

Ngay bản thân người viết cũng nhiều lần được những số máy lạ liên hệ với lời giới thiệu, chào mời mua căn hộ tại dự án X của một chủ đầu tư có tiếng tại Hà Nội.

“Dự án này đang mở bán đợt đầu, có chương trình khuyến mãi cho 100 khách hàng đặt cọc đầu tiên, được hỗ trợ từ ngân hàng…, anh có nhu cầu cho em xin địa chỉ mail để gửi thông tin chi tiết hoặc mời anh đến địa chỉ văn phòng công ty…”, môi giới giới thiệu.

Sau khi tìm hiểu thông tin, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được biết, đây là những căn đã được các “cò” ôm hàng, đặt cọc, giờ tìm người mua để hưởng chênh lệch, chứ không phải là hàng chủ đầu tư mở bán đợt đầu như môi giới trên quảng cáo.

Tuy nhiên, nếu người mua có nhu cầu mua căn hộ trên, thì cũng chỉ phải trả tiền chênh, độ rủi ro không lớn do dự án là của chủ đầu tư uy tín và có đầy đủ hồ sơ pháp lý. Trong nhiều trường hợp, các “cò” còn giới thiệu bán cả những dự án chưa đầy đủ pháp lý, hoặc có nhiều khuất tất về hồ sơ pháp lý.

Chẳng hạn, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cũng đã được một cò đất gọi điện giới thiệu và mời gọi mua căn hộ Dự án chung cư Đại Kim - Định Công mở rộng của của Liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và Đô thị Hà Nội và Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà làm chủ đầu tư. Nhưng khi xác minh thông tin từ chính quyền sở tại, thì dự án này còn nhiều “khuất tất” về hồ sơ pháp lý... Như vậy, thật không may nêu ai mua phải loại tài sản như thế này.

Ngoài gọi điện, gửi tin nhắn, chúng ta cũng có thể bắt gặp nhiều lời rao, giới thiệu đa dạng khác của các cò đất như tờ rơi, biển quảng cáo treo cây, cột điện, thậm chí là chỉ một tấm bìa cát tông ghi dòng chữ cần bán nhà/đất…

Với những thông tin nhiễu loạn từ cò đất như trên, người có nhu cầu mua, thuê nhà cần phải tìm hiểu rõ thông tin về tài sản định mua từ những cơ quan chức năng, đơn vị có thẩm quyền để tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, nhất là với những tài sản có giá trị như bất động sản.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Kim Đức
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục