Muốn hút vốn ngoại, doanh nghiệp phải... đầu tư

(ĐTCK) Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp nội địa đã hướng tới các nhà đầu tư ngoại như là một kênh huy động vốn hữu hiệu cho kế hoạch phát triển của mình. Nhưng muốn hoàn thành mục tiêu huy động vốn ngoại, doanh nghiệp phải chấp nhận đầu tư từ rất nhiều yếu tố.
Trong 4 năm qua, GTNFoods đã duy động được 200 triệu USD vốn  ngoại Trong 4 năm qua, GTNFoods đã duy động được 200 triệu USD vốn ngoại

Câu chuyện của GTN

“Trong 1 năm qua, tôi đã giúp GTNFoods gọi vốn 100 triệu USD, đưa tổng số vốn huy động được cho doanh nghiệp 4 năm gần đây lên mức 200 triệu USD”, Michael Louis Rosen, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GTNFoods (mã GTN) đã tiết lộ con số ấn tượng này tại Lễ ra mắt sản phẩm mới của Tổng công ty Chè Việt Nam – Công ty cổ phần, một công ty con của GTNFoods.

Từ đây, thị trường hiểu hơn về bước đi của GTNFoods. Đầu tư vào nhân sự và chiến lược là cách doanh nghiệp này đã lựa chọn để phục vụ cho mục đích huy động vốn ngoại và kế hoạch tăng trưởng của mình.

Còn nhớ, nửa cuối năm 2015, trong buổi nói chuyện về chiến lược phát triển của Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (nay là Công ty cổ phần GTNFoods) với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp này chia sẻ, GTN đang hướng đến việc huy động vốn nước ngoài để phục vụ cho kế hoạch tăng trưởng giai đoạn tới. Đặc biệt, sẽ có một sự thay đổi nhân sự, một người mà theo vị này, là đã góp phần rất lớn vào công cuộc huy động vốn ngoại của một doanh nghiệp khác trên thị trường chứng khoán.

Chỉ 3 tháng sau, GTN công bố thông tin về việc phát hành riêng lẻ cho 2 đối tác là TAEL của Singapore và Đại Tây Dương (pháp nhân do các cổ đông cũ của GTN tạo nên), với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 752 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên gấp đôi.

Mấy tháng sau , người ta thấy cái tên Micheal Louis Rosen - nguyên Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Tập đoàn PAN xuất hiện tại GTN, sau đó chính thức trở thành Tổng giám đốc của doanh nghiệp này.

Gần đây nhất, Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng lên mức 2.500 tỷ đồng, cũng với một cách đi cũ: chào bán riêng lẻ, với nhiều cái tên ngoại xuất hiện như: TAEL Partners, PENM Partners, Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund, Hanil Feed....

Huy động vốn ngoại: cần một sự đầu tư bài bản

Nhà đầu tư ngoại trước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp quan tâm những gì? Đó là một hồ sơ pháp lý đầy đủ của doanh nghiệp; một hệ thống sổ sách, chứng từ kế toán, hạch toán rõ ràng, chuẩn mực; một chiến lược kinh doanh hấp dẫn và có sức thuyết phục; một hệ thống nhân sự có chất lượng hoặc chiến lược hoàn thiện nhân sự rõ ràng; kế hoạch sử dụng vốn chi tiết và minh bạch trong quản trị; cam kết từ người lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất của doanh nghiệp.

Với những yêu cầu này, không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có đủ điều kiện đáp ứng, đặc biệt là hệ thống sổ sách, giấy tờ; cách xây dựng các tài liệu về chiến lược kinh doanh cho hợp với “khẩu vị” nhà đầu tư ngoại.

Phụ trách bộ phận tư vấn một công ty kiểm toán lớn tại Việt Nam cho biết, trung bình mỗi tháng, vị này nhận được 1-2 đề xuất tư vấn kết nối huy động vốn nước ngoài từ cả doanh nghiệp trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thường kéo dài thậm chí hàng năm (nhiều thương vụ không thành công), chi phí ban đầu (cho nhà tư vấn) cũng không nhỏ; chưa kể là phải dành thời gian cho việc trao đổi, gặp gỡ và làm việc với nhà đầu tư.

“Với những doanh nghiệp có nền tảng tốt, kinh doanh hiệu quả và có uy tín sẵn, thì thậm chí nhà đầu tư nước ngoài tự tìm đến để xin đầu tư. Nhưng đa phần, doanh nghiệp vẫn phải bỏ chi phí để thuê tư vấn kết nối, và chi phí để “phẫu thuật” chính mình. Có sự khác biệt khá lớn giữa đặc thù vận hành công việc của doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư. Trong trường hợp này, chi phí để xúc tiến nhà đầu tư là không nhỏ. Tuy nhiên, tôi tin rằng doanh nghiệp nào chuẩn bị kỹ lưỡng, doanh nghiệp đó sẽ thành công”, vị này nói.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục