Ô hay, cái ông này sao bỗng dưng đốc chứng ra thế? Năm mươi lên lão là chuyện ngày xưa, giờ tuổi này ông gọi tôi về mừng có thêm bà nữa thì còn có lý… he he…
Thôi thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Anh giờ hom hem lắm. Khao lão lần này chứ chả biết còn mấy nỗi nữa đâu!
Đã đến mức ấy thì cũng đành… gạt nước mắt mà lỗi hẹn với trận banh có tí độ để về quê với ông anh lên lão lúc đương xuân!
Cũng vì chuyện ấy mà cả quãng đường đi tự nhiên cứ lẩn thẩn nghĩ về cuộc đời. Nói dài thì đằng đẵng, mà nói ngắn thì cũng chẳng tày gang. Ngày xưa, người bốn mươi đã được trong làng, trong họ quý như lão ông. Năm mươi tuổi đã được làm lễ lên lão. Dẫu không phải chức sắc trong làng, nhưng những dịp hội hè, các cụ ra chốn đình trung ngồi riêng cỗ trên chiếu cạp điều. Oai như cóc! Ngay nay, phú quý sinh lễ nghĩa (hay là con gà tức nhau tiếng gáy chẳng biết), phong trào mừng thọ như pháo nổ dây chuyền. Thôi thì… gia đình có điều kiện, gọi là báo hiếu chút đỉnh cũng chẳng sao. Với người trong cuộc, đó cũng là cái dịp tổng kết lại một đoạn đời, dài hay ngắn chả quan trọng, miễn là mình đã làm được cái gì và xã hội coi mình ra cái thứ gì mà thôi…
Ngay như bạn bè mình cỡ xấp xỉ tứ thập. Phần lớn có đủ tiền để làm nhiều thứ, đồng thời thiếu tiền để làm mọi thứ. Gay cái là càng có tuổi lại càng thấy mình nhỏ bé, càng thấm thía rằng thời của mình đang dần qua. Nhất là khi gắn với chốn bạc tiền chứng cổ. Đó phải là những sân chơi của những tên tuổi lớn, đủ giàu để làm mọi thứ. Tại sao? Đại gia giàu theo cấp số nhân, dân mài mực kiếm tiền theo cấp số cộng, vĩnh viễn đó là một khoảng cách không thể san bằng.
Nhưng đồng tiền cũng khiến chúng ta tù túng hơn. Ví dụ thế này, một anh xe ôm, dễ dàng tạt xe vào vệ đường làm cốc trà đá, rít điếu thuốc lào, nhưng một ông bệ vệ đi Lexus sẽ cảm thấy khó hơn nhiều, đơn giản vì họ sống trong một thế giới khác, với nhiều nỗi sợ hơn... Nói tóm lại, khi càng trên cao, người ta càng bị trói buộc, dù rằng sự trói buộc đó có khi lại do chính mình đặt ra.
Ví như chứng khoán (cứ như bị tự kỷ, cứ lan man một lúc là lại quay về chứng khoán) là cái chợ bậc cao, tiến tới những nấc thang gần như tột cùng của kinh tế thị trường, việc nó có những nguyên tắc đôi khi rất phức tạp thì cũng chẳng lạ. Đôi khi cứ nghĩ thế này, thị trường xứ ta mới hơn chục tuổi. Những bát nháo, nhố nhăng, thậm chí dị hợm, ấy là ta so sánh với NYSE, với Nasdaq - những cụ ông, cụ bà trăm năm tuổi. Khi mới khai sinh, các cụ ấy chắc cũng hiếu động chả kém. Một đứa trẻ mà cứ đi lừ lừ, ngồi bó gối thì biết đường mà đi khám khẩn trương.
Nhưng ra đời mới mươi năm, chứng khoán xứ này sinh nhật hay mừng thọ? Mình thì thấy xã hội đang mừng thọ chứng khoán. Mừng thọ một cậu bé chưa lớn đã bắt già. Như thường lệ, sinh nhật dẫu buồn thì cũng là cái dịp nhìn lại. Xã hội đã quay lưng thì thử xem người trong cuộc nhìn nhận thế nào. Bởi trải hơn thập kỷ, non ba ngàn phiên tranh hùng, dầu gì chứng khoán đã thành một cái xã hội đa dạng lắm. Hôm trước nghe có người phân chứng trường ra thành các giai cấp mà thấy thú vị. Xin biên ra đây coi như là một cách để… mừng thọ thị trường.
Trong xã hội ấy, phím hàng là thành phần đại gia. Đặc trưng là nhiều tiền, tay to, có quan hệ, sau khi no xôi chán chè thì kêu gọi bìm bịp vào đổ vỏ. Nói gì thì nói, thành phần này vẫn đứng đầu xã hội chứng.
Bìm bịp là dân kẹp hàng chính hiệu. Đặc trưng là lẽo đẽo theo dân phím hàng hóng hớt, tung hô. Khẩu hiệu là "múc, múc, múc", múc xong rồi… thì đi viện. Lịch sử chắc chắn không thể phủ nhận vai trò quan trọng của bìm bịp. Họ dũng cảm đem tài sản riêng đóng góp cho thị trường và xứng đáng được tôn vinh.
Chim lợn là thành phần vừa cutloss mà chưa dám bắt đáy. Đặc trưng giai cấp: vừa sai lầm vừa sợ sệt, suốt ngày hô down. Vai trò lịch sử: chủ yếu là sinh ra để tạo cân bằng, cảnh tỉnh giai cấp bìm bịp, phê phán giai cấp phím hàng, nhưng liên tục bị các giai cấp khác ném đá. Bản thân mình cũng đang loay hoay giữa hai dòng bịp - lợn với một ước mơ thoát xác ú ớ hàng đêm.
Xưa nay, người ta thường chỉ nói, chết vì thiếu hiểu biết. Nhưng TTCK đang có những người chết vì… quá hiểu biết. Đó tạm gọi là dân biết tuốt. Mới đầu, dân ấp chứng, nhất là bìm bịp nể phục giới này lắm. Vì họ toàn dùng nhiều từ lạ tai, thuật ngữ, chêm dăm ba câu Anh, Pháp. Nào là ngưỡng, nến, dải, nào là bollingger band, bulltrap... Đặc trưng của thành phần này là có thể chém gió cả ngày không biết chán trên các diễn đàn mạng. Nhưng chứng trường nước Nam vốn khó đoán như gái già hồi xuân. Tưởng là khắc như nước với lửa mà có thời giai cấp phím hàng, chim lợn hay bìm bịp đã từng là nhóm bạn cùng tiến, nở rộ liên minh. Dân biết tuốt bắt đầu bớt mồm bớt miệng hơn và họ bắt đầu dao động. Lúc ngả theo giới phím hàng, lúc lại xuôi theo tầng lớp chim lợn. Và họ cũng bị kẹt như ai!
Tuy nhiên, tổng kết lại thì xứ ta đều thích giống ngắn ngày. Mà xét ra cũng chẳng phải riêng chứng sĩ, suốt 11 năm nay, cái cây chứng khoán có được tưới tắm mấy đâu, chỉ thích vặt, vặt, vặt, cây nào chịu được. Sinh nhật năm nay hẳn có nhiều người buồn vì những niềm ước mong không thành và có những điều tưởng đã nằm trong lòng bàn tay mà lại hoá ra xa lắc… Đến con gấu cũng đang buồn vì trong cuộc đấu, con bò đã quay đơ từ lâu lắm. Nhưng cuối cùng nghĩ đi nghĩ lại, cái được và cái mất trên chứng trường cũng giống như chuyện tái ông thất mã. Có người bảo (ngày vui, phủ phui cái mồm), thị trường đang giãy chết. Nhưng nhìn thấy sắp chết nghĩa là lúc sự sống mới đang bắt đầu!