Sở dĩ có việc hoán đổi này là bởi hiện nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng khó xử, trong khi nguồn huy động VND thì ít nhu cầu vay vốn lại cao, còn vốn huy động USD lớn nhưng nhu cầu vay USD lại giảm. Việc cho phép NHTM mang USD đến NHNN để hoán đổi lấy VND về phục vụ kinh doanh sẽ giúp cán cân vốn trở nên cân bằng hơn. Hơn nữa, khi mang VND về để cho vay, lãi suất ngân hàng hưởng có thể tới 21%/năm, trong khi chỉ phải trả lãi suất cho người gửi tiền bằng USD khoảng 6-8%/năm, một khoản lãi đáng kể cho các ngân hàng khi dùng nghiệp vụ này.
Theo NHNN, cơ quan này sẽ vẫn cho phép các ngân hàng có nhu cầu thực hiện nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ, nhưng phải theo quy định trong Quyết định 893/2001/QĐ-NHNN. Với nghiệp vụ Swap này, sẽ không có chuyện miễn phí, "điểm" Swap sẽ là15%.
Hiểu đơn giản, nghiệp vụ này có nghĩa là các ngân hàng mang USD tới thế chấp tại NHNN để vay VND, nhưng phải chịu lãi suất 15%/năm. Như vậy, nếu cộng thêm lãi suất huy động USD của các ngân hàng phổ biến ở mức 6-8%/năm thì chi phí vốn cuối cùng có thể lên trên 20%, một mức quá cao để các NHTM có thể có lãi.
Theo một quan chức NHNN, sở dĩ có yêu cầu trên bởi đây là một kênh cuối cùng trong tình huống thiếu hụt vốn khả dụng bằng VND. NHNN đang thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, các ngân hàng phải tự chủ động cân đối nguồn vốn, NHNN chỉ sử dụng nghiệp vụ này khi ngân hàng thương mại có khó khăn thanh khoản tiền VND.
Trên thực tế, nghiệp vụ Swap không phải là mới, NHNN thường áp dụng trong dịp Tết Nguyên đán khi lượng rút tiền VND của người dân tăng mạnh, các ngân hàng khi đó mang USD tới NHNN để lấy VND về đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân và doanh nghiệp. Sau dịp Tết, khi lượng tiền VND gửi trở lại thì các ngân hàng sẽ mang VND trả lại NHNN để rút lượng USD đã thế chấp về.
Chính vì vậy, với quy định mới về điểm Swap đẩy phí thực hiện nghiệp vụ tăng lên khiến một số ngân hàng sau khi đăng ký hoán đổi tiền tệ từ hai tuần trước với hy vọng tiếp cận một nguồn vốn "giá rẻ" từ NHNN buộc phải "cân nhắc hơn" trong việc có tham gia hoán đổi nữa hay không.
Theo một chuyên gia ngành ngân hàng, với nghiệp vụ này, hiện nay chỉ có các NHTM nhà nước là có thể tiếp cận được do có nhiều nguồn huy động USD với lãi suất thấp hơn. Các nguồn tiền gửi ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước hiện nay chỉ tập trung tại một vài NHTM nhà nước. Bên cạnh đó, các luồng tiền gửi từ các tổ chức nước ngoài vào Việt Nam nhằm hưởng chênh lệch lãi suất cũng chủ yếu tìm tới các NHTM nhà nước.
Một lãnh đạo NHTM nhà nước cho biết, ngân hàng này đã đăng ký hoán đổi với NHNN 200 triệu USD và sẽ tiếp tục tiến hành. "Lãi suất huy động USD bình quân của ngân hàng chỉ khoảng trên 3% và theo tính toán của chúng tôi, chi phí vốn cuối cùng sau khi hoán đổi chỉ khoảng trên 18%, vẫn là mức chấp nhận được".