Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% là “vừa tầm”

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội đã “ấn định mục tiêu” tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5%.

Bà Phí Hương Nga, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhận định, mục tiêu này “vừa tầm”, nhưng đạt được không phải dễ do GDP năm nay cầm chắc tăng trưởng 8%.

Kết thúc 3 quý đầu năm, Tổng cục Thống kê dự báo, năm nay, GDP tăng trưởng 7,5-8,0%. Đến thời điểm này, theo bà, GDP năm 2022 sẽ tăng bao nhiêu?

Bà Phí Hương Nga, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê)

Bà Phí Hương Nga, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê)

Căn cứ kết quả tăng trưởng 9 tháng năm 2022, những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế có thể gặp phải trong 3 tháng còn lại, chúng tôi đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm theo 2 phương án. Theo đó, phương án một, trong quý IV, GDP chỉ cần tăng trưởng 4,14% là cả năm sẽ tăng được 7,5%. Xin nhấn mạnh rằng, 4,14% là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, thậm chí còn thấp hơn cả quý IV/2021 (tăng 5,22%) và quý IV/2020 (tăng 4,61%) là 2 năm nền kinh tế gặp khó khăn chưa từng thấy.

Tốc độ tăng trưởng 8% cả năm sẽ đạt được nếu GDP quý IV tăng tối thiểu 5,9%. Mặc dù 3 tháng cuối năm vẫn còn những khó khăn, nhưng nền kinh tế đang đà phục hồi, đặc biệt là các ngành dịch vụ (bán buôn, bán lẻ; lưu trú, ăn uống; vận tải kho bãi; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ). Vậy nên, nếu không có những biến động quá lớn, thì khả năng GDP cả năm tăng trưởng 8%, thậm chí còn cao hơn. Đây là kết quả rất đáng mừng, nhưng cũng tạo ra sức ép để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm sau.

Như vậy, Tổng cục Thống kê nghiêng về tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8%, thậm chí cao hơn. Liệu có lạc quan quá không, bởi đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua?

Mặc dù còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm, nhưng nhìn lại 10 tháng qua, thì dự báo GDP tăng tối thiểu 8% không hề quá lạc quan.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm nay tăng 9%, tức là đã quay trở về với mức tăng trưởng trước đại dịch. Đặc biệt, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng rất ấn tượng như sản xuất bia tăng 34,7%; thủy hải sản chế biến tăng hơn 19%; linh kiện điện thoại tăng 16,5%; ô tô tăng 16,4%; thép thanh, thép góc tăng 15,2%...

Ở phía tiêu dùng nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm 2019 - thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, cầu nội địa 10 tháng đầu năm nay tăng gần 14%. Mặc dù vậy, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 mới đạt khoảng 83% tổng mức bán lẻ có thể đạt được. Trong điều kiện thu nhập của người dân tăng liên tục, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng, là động lực để GDP quý IV tiếp tục đà bứt phá và là động lực để tăng trưởng GDP năm sau.

Thứ nữa, không thể không nhắc đến hoạt động ngoại thương. Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 616,24 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục nghiêng về xuất khẩu với giá trị xuất siêu 9,4 tỷ USD. Nên nhớ rằng, không giống như các chỉ tiêu khác, để đạt được tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu 14% vô cùng khó, vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2021 đạt 540,3 tỷ USD, tăng 22,8%.

Ở góc nhìn khác, hoạt động của doanh nghiệp cũng phản ánh sự tăng tốc của nền kinh tế, thưa bà?

Trong 10 tháng năm 2022, có 125.800 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 1.379,2 ngàn tỷ đồng. Tính cả 2.794,1 ngàn tỷ đồng vốn tăng thêm của 42.600 doanh nghiệp tăng vốn, thì tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế của khu vực doanh nghiệp nội địa tăng hơn 31%.

Nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh khả quan, nên trong 10 tháng đầu năm nay, có 52.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 49%. Như vậy, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 lên gần 178.500 doanh nghiệp, tăng 38,3%. Con số kỷ lục này chính là động lực không chỉ giúp GDP quý IV năm nay tăng cao, mà còn để những năm tiếp theo duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP cao và bền vững, trước mắt là đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua.

Nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn là lãi suất vay vốn ngân hàng tăng lên?

Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất điều hành, đồng thời điều chỉnh biên độ tỷ giá từ 3% lên 5%. Đây là động thái hiếm có tiền lệ trong điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang leo thang, để kiềm chế lạm phát, các nước buộc phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, trong đó tăng lãi suất là giải pháp được hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới áp dụng. Với độ mở nền kinh tế cao, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, nền tảng nội tại của nước ta vẫn rất tốt, được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia ổn định vĩ mô tốt nhất và tăng trưởng tốt nhất khu vực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo suy giảm.

Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua nâng lãi suất có thể khiến việc tiếp cận vốn trở nên khó khăn, chi phí đồng vốn tăng, từ đó đầu tư cũng dần bị hạn chế, khả năng phục hồi kinh tế trở nên chậm hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, việc tăng lãi suất huy động sẽ hút được lượng tiết kiệm trong dân cao hơn, từ đó giúp thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi tăng giúp giữ giá trị VND, kiềm chế được sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài khỏi Việt Nam; ổn định tỷ giá, góp phần kiềm chế lạm phát.

Đầu tháng 11/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản từ 3,75% đến 4% - đây là lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ tháng 3/2022. Trước động thái này, theo bà, liệu Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục nâng lãi suất?

Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành 2 lần, kết hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác là nhằm đảm bảo an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính, nợ công, kiểm soát lạm phát. Cũng nhờ một phần từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ mà trong 10 tháng đầu năm nay, CPI chỉ tăng 2,89%.

Thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát qua công cụ lãi suất là con dao hai lưỡi, bởi khi rút một lượng tiền khỏi lưu thông, sẽ khiến tiếp cận vốn trở nên khó khăn, chi phí đồng vốn tăng, đầu tư dần bị hạn chế. Điều này trong phạm vi nào đó cũng ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh việc kìm hãm sản xuất thông qua hạn chế đầu tư, lãi suất tăng cũng gián tiếp làm giảm nhu cầu tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng ngược tới sản xuất trong nước.

Trong điều kiện lạm phát 10 tháng đầu năm mới tăng 2,89%, tôi nghiêng về phương án Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên mức lãi suất điều hành từ nay đến cuối năm, cho dù Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn lấy việc tăng lãi suất là vũ khí tối thượng để chống lạm phát.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục